Mối lo bên ngoài bệnh viện

Ngọc Quang 19/06/2016 22:35

Mới đây, Công an thành phố và Sở Y tế Hà Nội tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự giữa CATP Hà Nội và Sở Y tế, các bệnh viện trên địa bàn. Những con số đưa ra tại đây khiến không ít người giật mình: Công an đã bắt giữ, xử lý 38 vụ “cò mồi”, gây mất trật tự công cộng tại các bệnh viện; Lực lượng chức năng đã điều tra, xác minh làm rõ 158 vụ trộm cắp tài sản, 9 vụ lừa đảo, xử lý 31 vụ tàng trữ trái phép chất ma tuý tại các bệnh viện. Xử lý nhiều là tốt, nhưng qu

Ảnh minh họa.

Còn nhớ tháng 5 năm trước, tại TP HCM, trước tình hình “cò” bệnh viện lộng hành, đã có tới 30 đội tình nguyện gồm 3.000 tình nguyện viên là sinh viên y khoa đăng ký tham gia đề án “Tiếp sức người bệnh”. Ở hầu hết các BV thì nạn “cò” đều rất ghê gớm. Ví dụ như trước cổng Bệnh viện Ung bướu, “cò” mồi chuyên “gắp” người bệnh tới đây đi khám nhanh hay chuyển ra phòng khám tư để lấy tiền công. Tuy nhiên, tình hình chỉ tạm lắng rồi lại bùng phát.

Tới nay, các BV lại “bị bao vây”, mà không chỉ là “cò” mà còn rất nhiều chuyện khác. Từ những gánh hàng rong, la liệt quán ăn, quán bán thuốc, nhà nghỉ, đội quân xe ôm, taxi... khiến các BV muốn yên cũng không yên nổi. Cảnh bát nháo diễn ra thường xuyên ở môi trường rất cần sự yên bình cho người bệnh.

Vấn nạn gia tăng đến nỗi Sở Y tế TP đã phải tăng cường lực lượng bảo vệ tuần tra, đặt camera theo dõi, phát loa thông báo, đăng công khai hình ảnh các đối tường “cò”. Chưa hết, các BV còn phải yêu cầu nhân viên y tế cam kết không có mối quan hệ với “cò”, nếu không sẽ bị xử lý.

Đáng ngại là “cò” hình như ngày một “dạn đòn” hơn khi tỏ ra rất hung hăng, hăm dọa, tấn công bảo vệ bệnh viện và nhân viên y tế khi bị ngăn chặn việc môi giới khám bệnh. Tại khu vực Bệnh viện Ung bướu đã từng xảy ra việc “cò” chém cả 2 bảo vệ của BV khiến họ trọng thương phải nhập viện.

Cách đây chưa lâu, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải yêu cầu xử lý nghiêm một cán bộ ở BV K nghi là “cò”. Đó là việc làm rất cần thiết, bởi lẽ “cò” không chỉ bắt tay với nhân viên phòng khám để dẫn người bệnh đi khám nhanh ngay trong phòng khám, mà “cò” còn trà trộn đi theo bệnh nhân vào phòng khám để gạ gẫm đưa người bệnh ra khám nhanh ở bác sĩ làm “chui”.

Như vậy, dần nổi lên một “đường dây” rất khó chịu, đó là “cò” - nhân viên y tế tại BV - nhà thuốc. Sự tiếp tay, móc ngoặc ấy thật đáng sợ khi nó làm cho người bệnh, thân nhân người bệnh vốn rất đau khổ lại càng đau khổ thêm. Từ đây, chuyện tiền mất tật mang là không thể tránh khỏi.

Cùng với nạn “cò”, thì các BV hiện phải chịu nhiều sự bất ổn khác. Trước cổng, xung quanh những BV lớn, đông người đến khám, chữa bao giờ cũng dày đặc cánh xe ôm, taxi, làm náo loạn cả một quãng đường, gây ùn tắc giao thông và tạo ra sự nghi ngại cho bất cứ ai.

Vụ việc xảy ra bên ngoài BV thì phải chăng BV không có quyền xử lý? Điều đó phần nào đúng, vậy thì ai phải chịu trách nhiệm? Không ai khác ngoài lực lượng cảnh sát khu vực và chính quyền sở tại nơi BV đứng chân. Nhưng thật lạ là từ năm này sang năm khác, tình hình vẫn tái diễn, gọi là “bệnh ngoài BV”.

Đã từng có sự cam kết, phối hợp bằng văn bản giữa 3 bên: BV + chính quyền phường + công an phường, nhưng cũng như nhiều cam kết, nhiều phối hợp khác, vẫn không thấy ai động chân động tay, nên tình hình ngày thêm rối rắm, phức tạp.

Còn nữa, chuyện BV bị bủa vây bởi hàng rong, hàng ăn bình dân cũng đã “xưa như Trái Đất”. Xung quanh bất cứ BV nào, nhất là BV lớn lại không dày đặc hàng ăn. Người ta đến chữa bệnh nhưng lại phải ăn những loại thức ăn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, bởi việc vệ sinh an toàn thực phẩm của những loại hàng ăn này hình như... không được đặt ra. Trong cái nắng nóng gay gắt hiện nay, nguy cơ từ những hàng ăn này không còn “tiềm ẩn” nữa mà đã là nhãn tiền.

BV là nơi cần yên tĩnh nhất, cần được yên bình nhất, môi trường cần an toàn nhất. Tiếc thay, điều đó đã không có. Người ta thường bức xúc về việc người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, y tá; nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sạch, yên bình cho BV, nhất là phía bên ngoài BV. Đó cũng nên coi là một sự bỏ sót.

Nếu coi trách nhiệm chính, lớn nhất của BV là ở bên trong tường bao nơi những người bệnh cần được cứu chữa, chăm sóc thì bên ngoài bức tường ấy phải là chính quyền, là công an. Không thể quanh năm ngày tháng huy động sinh viên, thanh niên tình nguyện giúp sức, cho dù đó là một biện pháp tốt; căn cơ hơn phải chính từ một quy định nghiêm, một tinh thần trách nhiệm. Vấn nạn bên ngoài BV không thể nói chính quyền sở tại không biết, cái chính là họ đã không hành động.

Thật lạ là từ năm này sang năm khác, việc mất trật tự bên ngoài BV vẫn tái diễn, tạo ra cái gọi là “bệnh ngoài BV”. Đã từng có sự cam kết, phối hợp bằng văn bản giữa 3 bên: BV + chính quyền phường + công an phường, nhưng cũng như nhiều cam kết, nhiều phối hợp khác, do sự vào cuộc thiếu quyết liệt, nên tình hình ngày thêm diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối lo bên ngoài bệnh viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO