Báo động sạt lở bờ sông

Quốc Trung 21/05/2018 17:29

Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra nhiều trường hợp rạn nứt, sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đe dọa đến đời sống, tài sản của người dân trên khu vực này.

Báo động sạt lở bờ sông

Hiện trường sạt lở bờ sông diễn ra sáng 21/5 tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn.

Sạt lở bất ngờ

Thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay một số đoạn sông Cần Thơ, sông Ô Môn và Thốt Nốt thường xuyên xảy ra sạt lở. Trong đó xảy ra 6 vụ sạt lở nghiêm trọng: 2 vụ ở sông Ô Môn, 2 vụ sông Thốt Nốt, 1 vụ ở Cái Răng và 1 vụ ở Phong Điền thuộc sông Cần Thơ.

Cụ thể, ngày 7/4 tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần thơ, đã xảy ra vụ sạt lở, ghi nhận tại hiện trường, hơn 500 m2 đất đã bị sạt lở xuống sông. Giao thông khu vực này cũng bị chia cắt. Sạt lở kéo dài hơn 50m, ăn vào đất liền 12 m tạo thành hố sâu hơn 10 m. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nhà dân. Hệ thống điện, cáp viễn thông đã bị cắt đứt.

Đoạn sạt lở nằm trong dự án bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn được chia làm 3 giai đoạn với tổng số vốn trên 400 tỷ đồng. Khu vực sạt lở nằm trong giai đoạn ba của dự án. Hiện dự án đã hoàn thành 50% khối lượng công trình. Riêng đoạn bị sạt lở đang được tiến hành đóng cọc bê tông thì xảy ra sự việc. Do khu vực này tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt dài khá nguy hiểm, vì vậy chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và yêu cầu người dân di dời khỏi khu vực này.

Đúng một tháng sau, rạng sáng ngày 7/5, một đoạn trên sông Ô Môn, thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, xảy ra sạt lở nghiêm trọng cuốn 1 căn nhà dân của hộ anh Nguyễn Văn Ni trôi xuống sông, đồng thời kéo theo một đoạn đường đất ven sông dài hơn 15m, lấn sâu vào bờ đất 5m, may mắn không gây thiệt hại về người. Thiệt hại ước tính 40 triệu đồng. Đây là khu vực cảnh báo sạt lở tổng chiều dài 75 m.

Tiếp đó, 5h20 phút sáng ngày hôm nay, 21/5, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, tiếp tục xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 19 căn nhà bị lở, trong đó 5 căn nhà bị sông nuốt chửng, ảnh hưởng nghiêm trọng 14 căn nhà liền kề.

Chị Bùi Thị Nga nạn nhân có nhà bị sụp xuống sông kể lại: Đang chuẩn bị để mở bán hàng ăn sáng thì nghe tiếng kêu rắc rắc, tôi đoán là bị sạt lở nên nhanh chóng chạy ra ngoài, nếu chậm vài bước cũng cuốn theo căn nhà xuống sông, 4 căn nhà liền kề đổ ầm xuống sông. Cũng may mấy hôm trước thấy có hiện tượng nên đồ đạc tài sản có giá trị gia đình đã chuyển lên nhà trên. Cũng theo chị Nga, khu vực nhà trên của gia đình chị có vết nứt nên rất lo, không biết có sạt lên tới đây nữa không?

Thống kê ban đầu của ngành chức năng khu vực sạt lở có chiều dài 55 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10 m, chưa thống kê được thiệt hại. Đây là lần thứ ba xảy ra sạt lở tại khu vực này trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Ông Đào Anh Dũng, phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có mặt kiểm tra, chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ người dân di dời. “Ngay sau khi sự việc xảy ra thành phố cùng với quận và phường đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời, đảm bảo không thiệt hại về người và tài sản người dân. Bên cạnh đó giao địa phương liên hệ các nơi (trường học, chùa, đưa bà con đến ở đảm bảo cuộc sống trước mắt. Trong hôm nay sẽ hỗ trợ cho bà con con bị ảnh hưởng cho các hộ bị ảnh hưởng số từ từ 10-15 triệu đồng/hộ.

Cẩn trọng với thời điểm giao mùa

Đặc điểm chung của khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, giai đoạn giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, tần xuất sảy ra các điểm sạt lở trên sông tương đối dày, bất ngờ và nghiêm trọng. Hai tuyến sông lớn là Thốt Nốt và Ô Môn thường xuyên xảy ra sạt lở.

Tuyến sông Ô Môn, đặc biệt khu vực vàm Thới An, nơi tiếp giáp với sông Hậu những năm gần đây thường xuyên xảy ra sạt lở với hàng chục điểm lớn nhỏ. Đây là khu vực cửa sông lớn, có lưu lượng tàu thuyền qua lại rất đông. Các vụ sạt lở đã làm nhiều tuyến đường giao thông nằm dọc sông Ô Môn bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như an toàn cho người dân.

Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn quận cắm mốc và báo động 7 điểm sạt lở với tổng chiều dài 2.318 mét.

Theo ông Sĩ, tình hình sạt lở tại khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp, UBND quận Ô Môn đã đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ khẩn cấp chỉ đạo đơn vị chuyên môn khảo sát và có kế hoạch khắc phục để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Cần Thơ Nguyễn Quý Ninh cho biết, đã lập các đoàn đi khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Về phương án phòng chống sạt lở, ngành chức năng thành phố Cần Thơ thiên về giải pháp phi công trình. Đây là giải pháp không tốn kém nhiều kinh phí nhưng hiệu quả cao.

Ông Ninh cho biết thêm: “Đã xác định được 25 điểm nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên diễn biến sạt lở thay đổi theo từng năm, chúng tôi sẽ cập nhật cụ thể theo số liệu báo cáo từ địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động sạt lở bờ sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO