Dở khóc dở cười với 'rác' container

Lê Anh 23/09/2019 07:30

Nhiều lô kiện container để tồn đọng ở cảng một thời gian dài, nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đến làm thủ tục thông quan, đã khiến Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đau đầu tìm cách xử lý. Việc để tồn các “rác” container đang dẫn đến tình trạng “dở khóc dở cười” cho dù nhiều biện pháp đã được áp dụng.

Dở khóc dở cười với 'rác' container

Cảng Cát Lái vẫn đang tồn đọng nhiều container vô chủ.

Những “bãi rác” vô chủ

Thống kê chưa đầy đủ từ Cục Hải quan TP HCM, các cảng báo số hàng tồn đọng container hiện lên tới gần 5.400 kiện hàng các loại. Nhiều nhất là tại cảng Cát Lái, với số lượng gần 2.670 container hàng nhập khẩu, kế đến là hơn 2.300 kiện hàng gửi qua đường hàng không.

Theo quy định của Cục Hải quan TP HCM, các container, kiện hàng nhập khẩu về thành phố trong thời hạn 3 tháng phải có cá nhân, tổ chức đến làm các thủ tục để thông quan hàng hóa. Có nơi quy định nếu quá 60 ngày kể từ ngày thông báo thì Hội đồng xử lý hàng tồn đọng thuộc Cục Hải quan TP cũng sẽ xử lý theo quy định của Bộ Tài chính.

Thế nhưng, trên thực tế, nhiều kiện container đã quá hạn nhiều năm song vẫn không có chủ nhân đến làm thủ tục. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các “bãi rác” container tồn đọng này, bao gồm hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; hàng có liên quan đến vi phạm xuất nhập khẩu theo yêu cầu giữ lại để điều tra làm rõ của cơ quan Công an; hàng tạm nhập tái xuất; hàng nhập khẩu phế liệu nhưng chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện về môi trường; hàng nguyên liệu sản xuất chưa đủ điều kiện thông quan.

Việc tồn đọng các “kho rác” container khiến cơ quan Hải quan TP HCM “đau đầu” tìm giải pháp tháo gỡ. Một số container hàng phế liệu để tồn lâu ngày gây ô nhiễm môi trường, chưa kể có trường hợp container hàng đông lạnh gây bốc mùi, ô nhiễm ở một số khu vực cảng. Ngoài ra, Cục Hải quan TP HCM cũng “kêu cứu” về vấn đề giải phóng mặt bằng, xử lý hàng tồn đọng khó khăn do luật định hiện hành chưa rõ ràng về quy trình xử lý.
Trước thực trạng đó, ngành Hải quan cũng chỉ biết đăng thông tin tìm kiếm cá nhân, tổ chức, chủ doanh nghiệp của các container tồn đọng đến nhận hàng. Thế nhưng, ngay cả giải pháp này cũng rơi vào trạng thái bị động, vì không rõ các cá nhân, tổ chức có đọc được thông báo và thiện chí đến giải quyết hay không.

Bế tắc giải pháp

Vấn đề tồn tại nhiều khối hàng container vô chủ tại TP HCM đã được phản ánh từ nhiều năm qua. Khi các giải pháp tuyên truyền tỏ ra kém hiệu quả, ngành Hải quan TP HCM đã phải thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn hơn.

Dở khóc dở cười với 'rác' container - 1

Đoàn kiểm tra liên ngành Tài nguyên – Môi trường làm việc về hàng container tồn đọng ở cảng Cát Lái.

Và kết quả, theo tìm hiểu thực tế tại cảng Cát Lái (Q.2, TP HCM) đã giảm rõ rệt các container vô chủ, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 1.300 kiện hàng container. Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, thời gian tới đây đơn vị này vẫn tiếp tục phối hợp với Cục Hải quan TP để có đánh giá, phân loại, giám định đối với các container chưa có chủ hàng đến giải quyết. Nếu là các container chứa đựng phế liệu thì triển khai tổ chức bán đấu giá, thậm chí cho tiêu hủy hoặc tái xuất nếu có các nguy cơ ảnh hưởng về môi trường.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn, cơ quan này đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của TP HCM để giải quyết thực trạng, kể cả việc gửi nhiều văn bản xin hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ hàng đến nhận hàng. Để hỗ trợ quá trình giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, trả lại mặt bằng thông thoáng cho cảng, Tân Cảng Sài Gòn thực hiện chính sách giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập khẩu ở cảng Cát Lái nếu các tổ chức, cá nhân sớm đến làm thủ tục lấy kiện hàng container khỏi cảng.

Mô hình này thực tế đem lại hiệu quá rõ rệt, với hơn 1.300 container đang còn tồn (trên 3 tháng) đang tiếp tục được Tân Cảng Sài Gòn và Hải quan TP HCM phối hợp bàn giải pháp tháo gỡ. So với thời điểm cuối tháng 2/2019, với lượng tồn đến hơn 3.800 kiện hàng, thì đây đã là một kỳ tích của Tân Cảng Sài Gòn.

Cũng với phương án ưu tiên chấp thuận cho các cá nhân, tổ chức hoặc hãng tàu được tái xuất lô hàng trong thời gian ngắn và thanh toán nhanh các chi phí liên quan về kiểm kê hàng hóa, vận chuyển,...Cục Hải quan TP HCM thậm chí tạo điều kiện để cho các đơn vị có nhu cầu về tiêu hủy lô hàng container (phế liệu, hàng thực phẩm đã hư hỏng,…), với điều kiện tự chịu mọi chi phí tiêu hủy và đảm bảo điều kiện tiêu hủy không gây ô nhiễm môi trường dưới sự giám sát của hội đồng tiêu hủy. Dù vậy, ngay cả các phương án này cũng không nhận được thiện chí từ các chủ hàng, cá nhân, tổ chức có container đang tồn đọng,

Dở khóc dở cười với 'rác' container - 2

Một lô hàng phế liệu, không đảm bảo tiêu chuẩn được Hải quan xử lý.

Hiện lãnh đạo TP HCM đang tìm cách tháo gỡ cho các bất cập nêu trên bằng cách chỉ đạo Cục Hải quan phối hợp cùng các Chi cục Hải quan của từng cảng và đơn vị thầu kinh doanh kho bãi, cảng thực hiện phân loại hàng hóa, báo cáo, tham mưu quy trình tiếp theo để có những bước xử lý phù hợp.

Theo một đại diện Cục Hải quan TP HCM, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là quy định về kiểm tra chất lượng các kiện hàng container vô chủ, để tồn ở các cảng nhiều năm, do vấn đề pháp luật hiện hành. Việc mở kiểm tra các container trên là rất khó thực hiện do quy trình về phân loại, giám định mất nhiều thời gian. Hơn nữa, ngành Hải quan cũng thận trọng xử lý nếu là rác thải thì buộc các chủ hàng phải tái xuất, còn hàng phế liệu dùng tái sản xuất được sẽ cho bán đấu giá theo quy định.

Tuy nhiên, ngay cả quy trình này hiện nay cũng còn rắc rối và mất nhiều thời gian để xử lý. Cũng theo Hải quan TP HCM, thậm chí ngay cả phương án cơ quan Hải quan có quyền yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đối với lô hàng thì cũng khó thực hiện.

Việc xử lý triệt để các “bãi rác” container tồn đọng đang là ưu tiên hàng đầu của Hải quan TP HCM, thế nhưng trong số gần 5.400 kiện hàng tồn đọng các loại nhiều năm qua vẫn đang trong tình trạng xử lý ì ạch, tạo tâm lý nặng nề đối với các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông của TP HCM, vốn đã thiếu kho bãi trầm trọng.

Theo quy định của Cục Hải quan TP HCM, các container, kiện hàng nhập khẩu về thành phố trong thời hạn 3 tháng phải có cá nhân, tổ chức đến làm các thủ tục để thông quan hàng hóa. Có nơi quy định nếu quá 60 ngày kể từ ngày thông báo thì Hội đồng xử lý hàng tồn đọng thuộc Cục Hải quan TP HCM cũng sẽ xử lý theo quy định của Bộ Tài chính. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều kiện container đã quá hạn nhiều năm song vẫn không có chủ nhân đến làm thủ tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dở khóc dở cười với 'rác' container

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO