Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5

Nhóm PV 01/11/2019 08:00

Ngày 31/10, bão số 5 (Matmo) đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Dù đây là cơn bão không mạnh, nhưng thiệt hại do bão gây ra khá nặng nề. Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với 4 địa phương (Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định) bị ảnh hưởng từ bão số 5. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai dự và chỉ đạo cuộc họp.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5

Nước sông dâng cao gây chia cắt quốc lộ 40B (đoạn qua huyện Bắc Trà My và Nam Trà My).

Khi đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, bão số 5 đã gây ra mưa lớn trên diện rộng làm sạt lở chia cắt nhiều tuyến đường, cây xanh bị ngã đổ, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng…Theo ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, mưa lũ đã làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nhiều tuyến đường bị sạt lở đất đá khiến giao thông bị chia cắt, ách tắc… rất may không có thiệt hại về người. UBND huyện đã cùng ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lớn trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế việc đi lại; các hộ gia đình có nguy cơ sạt lở phải khẩn trương di dời đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trước tình hình mưa to kèm theo gió lớn có thể đe dọa an toàn của học sinh và giáo viên, Phòng GD-ĐT TP Hội An quyết định cho gần 22.000 học sinh nghỉ học.Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng có văn bản gửi các đơn vị, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh về việc ứng phó với bão số 5.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng trước tình hình thời tiết hiện nay. Theo ông Sỹ, lũ các sông đang lên nhanh. Mực nước lúc 07h00 ngày 31/10 đo được trên sông Vệ tại trạm sông Vệ là 4.32m, dưới mức báo động 3 là 0,18m; trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu là 5,74m, trên mức báo động 3 là 0,24m.

Nhiều huyện miền núi như Ba Tơ, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà và Minh Long có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Ngập lụt trên diện rộng ở vùng trũng thấp, ven sông một số địa phương thuộc các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi. Các xã Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Cao (huyện Sơn Hà) bị chia cắt hoàn toàn. Nước sông Re lên nhanh, các cầu nhỏ như Tà Mương (Sơn Thủy), Cầu Đôi (Sơn Hải) trên tuyến Di Lăng - Sơn Ba bị ngập nước. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Sơn Hà và các địa phương đã triển khai lực lượng để chốt chặn, không cho người dân qua lại…

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế từ chiều tối ngày 30/10 đã xuất hiện mưa to, có nơi mưa rất to, nhiều nhà bị tốc mái. Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, hiện tại các hộ dân đã được đưa đến nơi an toàn. Ngay trong sáng 31/10, địa phương đã huy động nhiều lực lượng tiến hành lợp lại và bổ sung thêm mái tôn cho các hộ dân. Riêng hộ bị tốc mái hoàn toàn đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 - 1

Một số nơi ở miền núi huyện Nam Trà My mưa lớn xảy ra lũ quét.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cũng đi kiểm tra tình hình, thăm hỏi, động viên và chia sẻ khó khăn đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng do hoàn lưu cơn bão số 5 gây ra.

Để đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện A Lưới cùng vùng hạ du, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Miền Trung về việc vận hành điều tiết hồ thủy điện A Lưới.

Tại Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch tỉnh cho biết: “Cơn bão số 5 với gió lớn kéo dài đến hơn 4 tiếng gây ra nhiều thiệt hại. Do khu neo đậu quá chật dẫn nhiều tàu bị đứt neo và trôi, tuy nhiên, không có thiệt hại về người. Có 144 nhà sập, 2000m kè biển bị sập cuốn theo13 nhà dân. Tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

TP Quy Nhơn bị bão số 5 tàn phá nặng nhất. Hàng loạt trụ điện, công trình đô thị, cửa hàng… bị bão đánh sập. Các đường phố đều ngổn ngang với cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ.Nhiều nhà cửa bị sập, hư hỏng hoàn toàn. Nhiều công trình đô thị, giao thông bị bão đánh sập. Hầu hết các địa phương ở Bình Định vẫn đang bị mất điện.

Còn tại Phú Yên, theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch tỉnh thì trên địa bàn có 2 thuyền neo đậu bị chìm, có 14 nhà sập hoàn toàn, còn 18 nhà thiệt hại từ 30 – 50%, 70 ha bị ngập úng, có 72 xã đã mất điện, lượng mưa hơn 100mm có 1 số vùng bị ngập cục bộ.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: “Mặc dù cơn bão không quá mạnh nhưng trong công tác chỉ đạo, kiểm tra cho thấy còn lúng túng. Yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 5, động viên giúp đỡ bà con đảm bảo chỗ ở, học hành, sinh hoạt,... Qua đó, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để ứng phó hiệu quả hơn trong thời gian tới”. Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới cần tìm vị trí mở rộng khu neo đậu, tránh tình trạng vào neo đậu rồi còn gặp nạn. Cần quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn các hồ chứa. Chú ý không được chủ quan, nhất là những nơi dễ bị lũ quét và sạt lở đất, sơ tán dân kịp thời ra khu vực nguy hiểm. Trong ngày 3 - 7/11 rất có khả năng xuất hiện bão mới sẽ gây mưa to các địa phương cần hết sức theo dõi và có biện pháp phòng chống kịp thời”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 31/10, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên đang lên nhanh, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, Kon Tum sẽ lên cao. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO