Nắng hạn gay gắt tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Quang Khánh 11/05/2020 16:45

Theo Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia, từ ngày hôm nay (11/5), do ảnh hưởng rìa phía Nam của rãnh áp thấp bị nén nên các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ, có nơi trên 37 độ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở các tỉnh cấp 1-2, riêng tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ở cấp 2-3.

Nắng hạn gay gắt tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Nắng hạn gay gắt tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh minh họa.

Tại nhiều địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, hiện đã báo động tình trạng hạn hán, thiếu nước. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đang đứng trước nguy cơ phải đối diện với trận hạn lịch sử trong 2 năm liên tiếp. Đại hạn “gối đầu”, nhiều địa phương căng mình lên kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người dân.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 165 hồ chứa thủy lợi, hiện dung tích các hồ chứa chỉ đạt 323/590 triệu m3 (chiếm 55% dung tích thiết kế), nếu không kể hồ Định Bình, dung tích nước tại các hồ chứa là 157 triệu m3, đạt 43% dung tích thiết kế. Trong khi đó, tổng dung tích trong các hồ thủy điện đạt khoảng 34,3% so với toàn bộ dung tích thiết kế, thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm khoảng 28,6%.

Tại Khánh Hòa, hệ thống hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã xuống mức thấp, chỉ đạt trung bình 58% so với tổng dung tích thiết kế. Tỉnh khánh Hòa hiện có 19 hồ chứa nước lớn với dung tích thiết kế gần 250 triệu m3. Tuy nhiên, dung tích các hồ chứa này hiện chỉ đạt 143 triệu m3, thấp hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 (đạt 226,8 triệu m3); tại nhiều hồ chứa có dung tích cao như hồ Đá Bàn, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành… chỉ đạt tỷ lệ 39-50% so với dung tích thiết kế.

Tình hình nắng hạn cũng diễn biến nghiêm trọng tại Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn, yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy; hiện nay, trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng 27,4 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Các địa phương trong tỉnh đang chống chọi với tình trạng hạn hán, nông dân không có nước sản xuất. Vụ Đông – Xuân vừa qua, toàn tỉnh đã phải cắt giảm hơn 15.400 ha lúa để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc gia cầm và cây trồng lâu năm.

Tại Ninh Thuận, theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện nay toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Nhưng do hạn hán đến nay chỉ còn khoảng hơn 65 triệu mét khối (31% tổng dung tích thiết kế).

Trên khu vực Tây Nguyên, theo Ðài Khí tượng - Thủy văn Ðắk Lắk, nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh không có mưa. Dòng chảy trên các sông lớn như: Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50 đến 70% so với trung bình nhiều năm. Theo dự tính của cơ quan chức năng, hiện nay và trong những tháng tới, toàn tỉnh có hàng nghìn hecta đất nông nghiệp trồng cà phê, cao su, hồ tiêu… thiếu nước tưới.

Tỉnh Gia Lai có hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng nhưng hiện nay một số đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn trong tỉnh cũng giảm mạnh.

Tình trạng khô hạn thiếu nước trên địa bàn các tỉnh trong khu vực hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra với cường độ ngày càng gay gắt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng hạn gay gắt tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO