Một điểm đến hấp dẫn

Phạm Sỹ 28/04/2022 07:57

Đó là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tới đây, du khách sẽ được chứng kiến sự đa dạng văn hóa vùng miền, cùng những hoạt động mang đậm nét truyền thống, tạo nên một bức tranh nhiều sắc màu.

Tái hiện, trình diễn văn hóa tại “Ngôi nhà chung”.

Nơi trải nghiệm sắc màu văn hóa

Từ khi mở “Làng” cho đến nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng dần hoàn thiện về mặt cảnh quan, không gian. Bên cạnh đó, với nhiều hoạt động của các cộng đồng dân tộc và các hoạt động văn hóa tiêu biểu được tổ chức thường xuyên tại đây đã tạo sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt khi đến với Làng Văn hóa, các nghệ nhân, đồng bào đến từ các địa phương đã được tạo điều kiện về mọi mặt để có thể tái hiện, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống. Đây chính là điểm hấp dẫn đối với du khách. Bởi du khách được trực tiếp khám phá nghệ thuật kiến trúc cổ truyền và kiến trúc dân gian, không gian sống, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, tìm hiểu phương thức sản xuất, những đặc sản… của các dân tộc.

Có vị trí thuận lợi, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong lịch trình tour một ngày tham quan ngoại thành của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành. Đặc biệt đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa.

Tới mỗi ngôi làng, du khách sẽ được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi, các nghi lễ tôn giáo, các trang phục đặc trưng của mỗi dân tộc. Với những không gian rộng rãi, các em được tham quan, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, tham gia các hoạt động dã ngoại, tổ chức chương trình vui chơi, hát, kể chuyện, đố vui, trò chơi khoa học lý thú phù hợp với lứa tuổi.

Đến với Làng Văn hóa vào những ngày giữa tháng 4, dịp nhiều hoạt động văn hóa đang diễn ra, anh Nguyễn Đức Tuyển (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, đây là điểm đến thực sự có ý nghĩa đối với du khách và mọi lứa tuổi. Khi đến đây mọi người được trải nghiệm trực tiếp cùng các đồng bào với những hoạt động sản xuất hàng ngày cũng như là tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc.

“Trước kia chưa có dịch thì Làng Văn hóa là một trong những điểm đến thường xuyên vào những ngày cuối tuần của gia đình tôi. Trong hai năm dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn mọi thứ trong đó có việc đi du lịch. Tuy nhiên, hiện nay khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì tôi nghĩ du lịch sẽ sớm phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt nơi đây sẽ lại tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn, điểm du lịch ngoại thành không thể thiếu với mọi người.

Hy vọng các địa phương sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào, các nghệ nhân yên tâm về đây sinh hoạt và giới thiệu văn hóa. Phải coi Làng Văn hóa như một cuốn cẩm nang giới thiệu nét đẹp văn hóa, đặc sản địa phương để từ đó du khách sẽ có lựa chọn điểm đến cho những chuyến tour du lịch dài ngày”- anh Tuyển chia sẻ.

Du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm với những hoạt động.

Theo nhiều chuyên gia về du lịch nhận định, các chương trình thiết kế linh động, đa dạng trong ngày hoặc kết hợp du lịch cộng đồng, nghỉ tại Khu các làng dân tộc đã mang lại nhiều lựa chọn, phù hợp với nhiều nhóm khách. Điều quan trọng nhất là nơi đây có thể tổ chức các hoạt động hoạt động tập thể với quy mô khách lớn vì thế đã là lựa chọn hàng đầu được ưu tiên để xây dựng sản phẩm.

Đầu tư nâng cao hiệu quả

Cùng với thời gian, hiện nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đầu tư cho không gian văn hóa, cảnh quan, tổ chức các sự kiện một cách bài bản; thường xuyên cập nhật hệ thống thông tin đến với doanh nghiệp lữ hành nên hoạt động đưa khách về tham quan đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Với mục đích “Chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, đến nay, Bộ VHTTDL đã ký với 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để huy động cồng đồng các dân tộc về tái hiện các hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa. Đặc biệt, mới đây, Bộ Tài chính đã đồng ý nâng mức chi hàng tháng hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, đồng bào dân tộc hoạt động thường xuyên có thể yên tâm hoạt động.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Làng Văn hóa tiếp tục tìm ra những giải pháp nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch và nguồn thu cho toàn bộ dự án. Trong đó, công tác đầu tư xây dựng các khu chức năng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được đặc biệt quan tâm như khu dịch vụ tổng hợp; Khu Trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí; khu Di sản văn hóa thế giới…

Ông Trịnh Ngọc Trung - Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trong hai năm vừa qua, Bộ VHTTDL đã quyết liệt để có cơ chế về nguồn lực cũng như những cơ chế đặc thù cho Làng Văn hóa. Đặc biệt lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có những chỉ đạo cụ thể để Làng Văn hóa trở thành “địa chỉ đỏ” không chỉ về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc mà nơi đây còn trở thành trung tâm giáo dục về lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa tại đây.

“Chính vì vậy chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các cơ sở hạ tầng trong khu các làng dân tộc. Bên cạnh đó sẽ có phối hợp với các địa phương để xây dựng những chương trình cũng như nội dung hoạt động phù hợp với tính chất hoạt động của các địa phương cũng như ở tại Làng. Cùng với đó nâng cao chất lượng hoạt động của các đồng bào được mời về tổ chức hoạt động hàng ngày ở đây phải là những nghệ nhân, những người đang nắm giữ những tri thức văn hóa của các dân tộc. Để mỗi nghệ nhân, mỗi đồng bào khi về đây thể hiện được những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình đến với du khách trong nước và quốc tế” - ông Chung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một điểm đến hấp dẫn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO