Đang dịch bệnh Covid-19, ngồi nhà hết sức tránh ra đường, chỉ có thể hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp qua điện thoại, zalo, email... Và người trước nhất tôi gọi điện thăm hỏi là bác Lương Sỹ Cầm.
Trước hôm Hà Nội “giãn cách”, tôi đã cùng nhà văn Phạm Ngọc Chiểu sang nhà bác ở Gia Lâm. Bác là một nhà văn kỳ cựu, hàm đại tá, nguyên Trưởng ban,Tổng biên tập Ký sự lịch sử Bộ đội Biên phòng. Cả hai chúng tôi trở nên thân thiết với bác lại chưa được lâu. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, như anh kể mới ở cùng bác trong một lần đi trại viết Tam Đảo, khi về anh tấm tắc khen “tính ông cụ hay lắm!”.
Tôi thì đầu năm 2012 dự hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương trao giải Văn học sông Mê Kông tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, tình cờ được ngủ chung phòng khách sạn với bác. Chưa nói đến chuyện văn chương vội, lúc mới gặp điều tôi ấn tượng với ông cụ lại bởi cái... nết ngủ. Một ông già tuổi ngoại tám mươi, nghe đài báo “tuýt, tuýt” 21 giờ, bảo ở nhà cứ giờ này là mình lên giường, ngay sau đó cụ đánh một giấc liền mạch đến sáng, suốt đêm không nghe tiếng ngáy, không thấy dậy đi vệ sinh. Sau này tôi còn bất ngờ được biết, trước đấy 10 năm cụ bị đột quỵ nằm liệt, rồi bằng ý chí tự rèn luyện đã khỏe lại với nếp sinh hoạt quy củ như thế. Trong mấy ngày ở Đà Nẵng, tôi còn có một “phát hiện”. Hai nhà văn lão thành Nguyễn Chí Trung và Lương Sỹ Cầm gặp nhau trong hội nghị tay bắt mặt mừng. Hóa ra họ là đôi bạn tri âm tri kỷ từ hơn nửa thế kỷ trước.
Bác Lương Sỹ Cầm kể: “Tôi hơn anh Trung một tuổi đời, anh lại hơn tôi một tuổi quân. Tháng 4/1946, tôi Nam tiến vào đến Đèo Cả, gặp anh ở Phòng Chính trị Nam Trung bộ, đang hăng hái ghi tốc ký các buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh. Bấy giờ tên thật anh là Thái Nguyên Trung, đến thời chống Mỹ mới đổi Nguyễn Chí Trung. Hòa bình lập lại trên miền Bắc anh ra tập kết ở Sư 305, còn tôi ở Sư 324. Một ngày cuối xuân 1961, Nguyễn Chí Trung đến thăm nhà tôi, nói nhỏ với vợ chồng tôi: Mình sắp vào lại chiến trường Khu Năm. Hồi ấy đời sống cán bộ còn rất khó khăn, nhà tôi chật hẹp chỉ khoảng tám mét vuông. Anh ngủ lại. Thế là trên cái giường đôi lèn chặt năm người, vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ, anh nằm ở rìa ngoài cùng. Đêm chia tay bạn đầy ấn tượng như thế vẫn in đậm trong tâm trí tôi mấy chục năm ròng, đến ngày nước nhà thống nhất anh còn đi tiếp chiến trường K, rồi lên thiếu tướng, trợ lý cho Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Thời ở chiến trường anh ít viết, chủ yếu bám cơ sở, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Anh nổi tiếng với truyện ngắn “Bức thư làng Mực”, là chân dung thật của một già làng Tây Nguyên thời đầu chống Mỹ. Dự hội nghị lần này anh có cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tiếng khóc của nàng Út”, được giải thưởng văn học ASEAN”.
Tôi còn biết thêm một điều nữa về đôi bạn chiến đấu. Đầu năm 1947, Bộ Tư lệnh Khu 6 ra tờ báo in ty pô lấy tên là “Xung phong” do nhà thơ Trần Mai Ninh, Trưởng ban tuyên truyền kiêm tổng biên tập. Hai anh lính trẻ đều đã học thành chung, được lựa chọn ngẫu nhiên từ cơ sở lên làm báo.
Sau lần họp ở Đà Nẵng, nhà văn Lương Sỹ Cầm tặng tôi cuốn tiểu thuyết mới ra lò, tựa là “Đèn kéo quân” (NXB Quân đội nhân dân, 2012) viết về cuộc kháng chiến của quân dân Liên khu Năm thời chống Pháp. Cuốn sách dày hơn 500 trang khổ lớn, có nhiều đoạn miêu tả rất sống động cuộc chiến đấu cam go, ác liệt ngày ấy... Trong tiểu thuyết có một nhân vật chính dũng cảm, mưu trí, cá tính mạnh, tác giả lấy nguyên mẫu bạn mình Nguyễn Chí Trung (Nhân đây cũng thấy một sự trùng hợp thú vị về việc đưa nguyên mẫu vào văn học, nhà thơ Thu Bồn đã từng thổ lộ “Nguyễn Chí Trung nhân vật xuyên suốt vài chục trường ca của tôi viết trong 30 năm qua, đó là một nhân vật bằng xương bằng thịt mà tôi hằng tâm đắc, vừa yêu thương vừa giận dữ, vừa muốn gần gũi, vừa muốn xa lánh, vừa tâm sự vừa cãi vã”). Cuốn tiểu thuyết “Đèn kéo quân” trở thành một cột mốc đáng nhớ trong đời viết của nhà văn Lương Sỹ Cầm, năm 2015 đã được Bộ Quốc phòng trao giải cao nhất, giải A.
Vào năm 2015, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an phát động cuộc thi viết Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ ba. Tôi tham gia với cuốn tiểu thuyết “Đơn tuyến”, lúc còn là bản thảo đã mang sang nhà nhờ bác đọc góp ý, nhân vật chính người thật việc thật cùng thế hệ với bác. Trí nhớ bác cực tốt, những sự kiện diễn ra từ thời Pháp thuộc bác không hề quên, mà chữ Pháp bác học từ đầu những năm 1940 thế kỷ trước, vẫn sửa chính tả được chỗ chữ Pháp tôi viết sai (Tôi vốn không biết tiếng Pháp, chỉ là chép lại những từ cần thiết). Sau may mắn tôi đoạt giải A, không quên ơn bác đã đính chính kịp thời để sách in ra không mắc phải những lỗi ngớ ngẩn. Cũng trong lần trao giải thưởng này, bác Lương Sỹ Cầm cùng 17 nhà văn khác của nước ta được vinh danh Nhà văn xuất sắc về đề tài Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống.
Bác còn có đức tính khiêm nhường và cầu thị. Thường thì những người tuổi cao, ngại sử dụng thiết bị công nghệ trong viết lách. Đến một lúc bác quyết không viết “vo” giấy mực như trước nữa, mà dùng máy vi tính, lần ấy bác chủ động gặp tôi tìm hiểu thêm kỹ năng sử dụng máy. Trong cuộc thi Vì an ninh tổ quốc lần gần đây, năm 2020, bác đã nhận giải B với truyện ký “Kể chuyện giới tuyến”. Sau lúc nhận giải gặp tôi, bác nói ngay: Truyện ký này có hồi ức của mình vì ngày đó là chiến sĩ công an vũ trang bảo vệ ở cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh. Nhưng mình không thể nhớ hết mọi điều, nhờ trao đổi với anh về cách khai thác tư liệu trên mạng Internet, mà cuốn sách thêm dầy dặn, phong phú.
Đến hôm rồi, đài báo đưa tin chiến sĩ quốc tế người Hy Lạp Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, đã được chính phủ Việt Nam phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, vừa từ trần ở tuổi 93. Bác Lương Sỹ Cầm nghe tin buồn, đã cho tôi biết thêm một chi tiết: hồi đầu năm 1951 bác là giám đốc trại tù binh Âu Phi Liên khu Năm, chính Kostas là người phiên dịch và hai người ngày ấy đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Còn chuyện này nữa. Đầu năm 1948, nhà thơ Trần Mai Ninh được đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương tại Nam Trung Bộ điều vào bổ sung cho tỉnh ủy Bình Thuận, đi bằng đường biển, chẳng may ông bị Pháp bắt ngoài khơi Khánh Hòa. Ông bị giam, tra tấn đã hy sinh trong nhà lao Nha Trang. Lúc đó không có giấy báo tử cho gia đình nhà thơ đang ở Thanh Hóa, câu chuyện tưởng bị rơi vào quên lãng. Năm mươi năm sau, hai học trò của nhà thơ là Nguyễn Chí Trung và Lương Sỹ Cầm cùng người bạn Nam tiến nữa Hoàng Xuân Thâm đã bàn nhau mở cuộc vận động công nhận danh hiệu liệt sĩ cho nhà thơ, cuối cùng, đã giải quyết được chính sách cho liệt sĩ Trần Mai Ninh. Bác luôn sống nghĩa tình với đồng đội như thế!
Nhà văn Lương Sỹ Cầm sáng tác khá đều tay, đến nay đã có 13 cuốn tiểu thuyết và truyện ký, ngoài ra còn là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, bác viết được khoảng một chục kịch bản phim về bộ đội biên phòng, phim nhựa “Đường về” của bác đã công chiếu được dư luận hoan nghênh. Chất văn Lương Sỹ Cầm tuy không nhiều sự suy tư, bay bổng, ngôn ngữ sử dụng chưa thật điêu luyện được như của những bạn văn cùng thế hệ, một thời sống chiến đấu ở Khu Năm nhưng bù lại chính sự mộc mạc, chân thực và giàu chi tiết đời sống trong văn bác lại vẫn có sức cuốn hút người đọc, hai tiểu thuyết cùng được giải cao là “Đèn kéo quân” và “Ngang trái” đã nói lên điều đó. Một điều lạ nữa ở Lương Sỹ Cầm là lúc tuổi cao bác vẫn viết khỏe, viết đều.
Năm nay nhà văn Lương Sỹ Cầm đã sang tuổi 94, trở thành người cao niên nhất Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Lương Sỹ Cầm sáng tác khá đều tay, đến nay đã có 13 cuốn tiểu thuyết và truyện ký, ngoài ra còn là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, bác viết được khoảng một chục kịch bản phim về bộ đội biên phòng, phim nhựa “Đường về” của bác đã công chiếu được dư luận hoan nghênh. Chất văn Lương Sỹ Cầm tuy không nhiều sự suy tư, bay bổng, ngôn ngữ sử dụng chưa thật điêu luyện được như của những bạn văn cùng thế hệ, một thời sống chiến đấu ở Khu Năm nhưng bù lại chính sự mộc mạc, chân thực và giàu chi tiết đời sống trong văn bác lại vẫn có sức cuốn hút người đọc, hai tiểu thuyết cùng được giải cao là “Đèn kéo quân” và “Ngang trái” đã nói lên điều đó.