Mùa mưa và nỗi lo hồ đập

H. Vũ 18/08/2020 08:00

Ngày 17/8, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài.

Vỡ đập Đầm Thìn ở Phú Thọ, cuối tháng 5/2018. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN.

Qua 2 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố từ Bắc tới Nam, ông Nguyễn Vinh Hà- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Tại các tỉnh, thành phố Đoàn đến khảo sát thì chất lượng nước mặt, nước ngầm tương đối tốt, trữ lượng dồi dào.

Tuy nhiên, nguồn nước này đang có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động xả thải, đặc biệt với các sông chảy qua đô thị. Hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông, làm ảnh hưởng tới chất lượng nước ngọt của các địa phương. Tình trạng này là hiện tượng phổ biến đối với các tỉnh duyên hải từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Kiên Giang.

Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng

Theo ông Nguyễn Vinh Hà, trong khoảng 20-30 năm tới, nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như tại tỉnh Nghệ An, hiện có 1.061 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích 537 triệu m3 nhưng mới chỉ đảm nhiệm được 55% diện tích tưới. Tại tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có hồ chứa lớn như Cửa Đạt, dung tích 793,7 triệu m3 nhưng chỉ đáp ứng được 70% diện tích tưới; hoặc tại tỉnh Hà Tĩnh với hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang mới đưa vào hoạt động, cấp nước tưới cho trên 32 ngàn ha cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống kênh dẫn để tăng cường diện cấp nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, môi trường các lưu vực sông là vấn đề cốt yếu quan trọng. Mức độ ô nhiễm chung trên các lưu vực sông lớn tại thượng nguồn do chịu tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến nay đang được kiểm soát, nhưng ô nhiễm chủ yếu là ở hạ nguồn, hạ lưu, trung lưu nơi có các đô thị, khu công nghiệp.

Đề cập đến việc xử lý nước thải sông Tô Lịch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các biện pháp công nghệ vi sinh của Nhật Bản nếu áp dụng đối với khu vực lòng sông không còn nguồn nước thải thì sẽ được xử lý căn bản, kể cả trầm tích đáy. Còn khi còn nguồn thải thì giải pháp công nghệ của Nhật Bản không hiệu quả. Những công nghệ Nhật Bản áp dụng ở sông Tô Lịch chỉ phù hợp với khu vực, các nguồn nước không có lượng chất thải bổ sung, phù hợp ở các sông hồ kín. Còn sông Tô Lịch có lượng nước thải bổ sung hàng ngày lớn nên giải pháp hiệu quả là kiểm soát toàn bộ các loại nguồn thải ra.

Gần 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng, thiếu năng lực chống lũ

Đáng lo ngại, qua khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nhiều đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. “Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30-50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế, không được kiểm định trước mùa mưa lũ, không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn. Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ”, ông Hà nói đồng thời đưa ra dẫn chứng: “Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình 544 hồ chứa có 192 hồ hư hỏng xuống cấp”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, thiết kế trước đây chủ yếu tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ cho cây lúa. Vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra thường xuyên, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm, trong đó 14 tỉnh có trên 1.000 vi phạm.

Kết quả xử lý các vi phạm còn hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến công tác vận hành, chất lượng nước và an toàn công trình công trình. Bên cạnh đó, hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp; trong đó có 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế, đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, chủ quan không lường hết được các tình huống thiên tai khi thi công. Năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các hồ nhỏ được giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý. Công tác kiểm định định kỳ an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, việc kiểm tra hồ đập bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa, hư hỏng trong thân đập.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu vận hành tốt sẽ giúp cắt giảm lũ trong mùa lũ, còn mùa hạn giúp đảm bảo an ninh nguồn nước. Nếu khai thác vận hành không tốt sẽ tiềm ẩn rủi ro an toàn cho hạ du.

“Dù thời gian qua có quan tâm song vẫn còn một số hồ thủy điện xả nước trong mùa lũ gây ngập lụt ở hạ du. Do mưa lớn buộc phải xả lũ nên trong một số trường hợp phải chấp nhận. Sự cố tại các công trình thủy điện chủ yếu xảy ra tại các công trình thủy điện vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ ra nguyên nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa mưa và nỗi lo hồ đập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO