Mục tiêu 5.000 km đường cao tốc: Địa phương phải chủ động vào cuộc

Hạnh Nhân 12/06/2021 08:00

Cho tới thời điểm này, cả nước mới đạt 1.163 km đường cao tốc. Để thực hiện mục tiêu sẽ phải hoàn thành thêm khoảng 4.000 km đường cao tốc vào năm 2030 (gấp gần 4 lần giai đoạn trước). Đây là thách thức lớn trong tổ chức thực hiện.    

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc.

Thách thức lớn

Cho tới thời điểm này, cả nước mới phát triển 1.163 km đường cao tốc. Có thể nhận định, tiến độ xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong 10 năm gần đây có bước tiến lớn, gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. Dù vậy, để thực hiện mục tiêu cả nước sẽ phải hoàn thành thêm khoảng 4.000 km đường cao tốc, gấp gần 4 lần giai đoạn trước. Đây là thách thức lớn trong tổ chức thực hiện.

Mới đây, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về “Thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030” đã nhấn mạnh: Ngân sách nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy, phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.

Với nhiệm vụ được giao, ngân sách nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy, phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.

Phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.

Các quốc gia áp dụng giải pháp gì?

Nhìn ra thế giới, trong khoảng 20 năm qua, Trung Quốc phát triển khoảng 100 nghìn km đường cao tốc và được đầu tư với tốc độ hiếm thấy trên thế giới. Đến nay nước Mỹ cũng có hơn 100 nghìn km đường cao tốc. Hàn Quốc có khoảng 4.767 km với kỳ tích “tay không làm cao tốc” nổi tiếng thế giới. Câu hỏi đặt ra là bằng giải pháp nào mà các quốc gia có thể phát triển đường cao tốc với tốc độ nhanh như vậy?

Để huy động vốn đầu tư cao tốc, với Trung Quốc, nhà nước chủ yếu hỗ trợ về chính sách như tín dụng cho vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, thu phí hoàn trả, thu các phụ phí mua sắm phương tiện, cho lập Quỹ Xây dựng đường bộ.

Còn nước Mỹ đã xây dựng Quỹ Tín thác đường cao tốc. Phần lớn các tuyến đường bộ cao tốc qua các tiểu bang được Chính phủ Liên bang dùng ngân sách liên bang để đầu tư xây dựng thông qua Quỹ Tín thác đường cao tốc. Quỹ này được hình thành từ nguồn thu thuế nhiên liệu trên toàn liên bang.

Theo số liệu thống kê trong báo cáo thu phí đường bộ tại Mỹ năm 2015, có 35 bang/lãnh thổ có ít nhất một đường cao tốc/cầu/hầm phải thu phí. Ước tính có tới 5,7 tỷ chuyến đi/năm trên các đường thu phí tại Mỹ. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã xây dựng Luật PPP để hút đầu tư tư nhân.

Ở Hàn Quốc, đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đường bộ cao tốc chiếm tỷ trọng lớn. Chính phủ thực hiện lập quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và không có chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc bằng nguồn ngân sách nhà nước trong tương lai, thay vào đó, Chính phủ kêu gọi thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc từ khu vực tư nhân.

Không thể trông chờ ngân sách

Để đẩy nhanh tiến độ làm đường cao tốc ở Việt Nam, giới chuyên gia giao thông cho rằng: Nguồn lực làm cao tốc không thiếu, nhưng quan trọng là cơ chế, chính sách phù hợp để huy động.

Theo PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, để thực hiện mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ cần phải có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư. Bởi nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể thực hiện được.

Ông Chủng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, vốn ngân sách cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới xuất hiện từ đại dịch Covid-19 và hướng tới giảm nợ công thì đầu tư theo phương thức đối tác công - tư vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển đất nước.

Luật PPP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã tạo ra khung pháp lý quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng. Mặc dù, Luật đã có quy định về sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, song các nghị định hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa thực sự làm cho các nhà đầu tư yên tâm.

Do vậy, để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án đường cao tốc triển khai theo hình thức PPP sắp tới, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng các cơ chế, chính sách minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Long - nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình Giao thông, Bộ GTVT nhận định: Chủ trương giao cả nguồn vốn cho địa phương thực hiện đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP là giải pháp rất mạnh mẽ của Chính phủ.

Cùng với đó, việc phân cấp cho các tỉnh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại các dự án cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức PPP là chủ trương lớn và rất đúng đắn của Chính phủ.

Tuy nhiên, để thực hiện được, Chính phủ, Bộ GTVT cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án cao tốc theo hình thức PPP do địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mục tiêu 5.000 km đường cao tốc: Địa phương phải chủ động vào cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO