Mừng, lo hàng Việt

Thanh Giang 10/08/2017 07:30

Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ở mức ổn định, nhưng để đạt được mục tiêu đề ra, doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực vì thị trường xuất khẩu đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức khác nhau…

Xúc tiến để đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài.

Tăng trưởng và thách thức

Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 115,2 tỷ USD.

Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm ở mức 18,7% là mức tăng cao so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2016.

Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch của các mặt hàng này chiếm tới 85,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Qua nghiên cứu cơ cấu hàng hoá nhập khẩu thời gian qua, nhận thấy lượng nguyên vật liệu nhập về nhiều, dự kiến xuất khẩu sẽ gia tăng, kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.

Với nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành; tin rằng, thị trường xuất khẩu năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng.

Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ở mức ổn định, thế nhưng để đạt được con số tăng trưởng đề ra doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực vì thị trường xuất khẩu đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức khác nhau.

Hiện hàng xuất khẩu Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn. Đơn cử, Việt Nam kỳ vọng khá nhiều vào việc xuất khẩu mặt hàng cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ bị chững lại, nếu không muốn nói là giảm sụt mạnh.

Đơn cử, tháng 12/2016, giá trị xuất khẩu đạt 33,2 triệu USD nhưng đến nửa đầu tháng 1/2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đột ngột giảm mạnh còn 22,7%, đạt 9,55 triệu USD, thấp hơn giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và EU.

6 tháng tiếp theo, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt 118 triệu USD. Dự báo sắp tới xuất khẩu cá da trơn vào thị trường Hoa Kỳ khó khăn hơn khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thực hiện chương trình giám sát cá da trơn từ ngày 2/8/2017 vì khi họ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên đã phát hiện 250.000kg cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Việc thực thi quy định “Tương đồng về tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn” của Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ sẽ gia hạn thêm 6 tháng.

Song, nguy cơ cá tra, cá basa của Việt Nam bị ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường Hoa Kỳ từ tháng 3/2018 là rất cao do khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định mới phía Hoa Kỳ đặt ra.

Thị trường châu Âu cũng tiếp tục giám sát chặt về xuất xứ hàng hoá cũng như các vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Trăm mối tơ vò

Đối với mặt hàng hạt tiêu, sản lượng của Việt Nam chiếm 40% sản lượng toàn cầu và tăng nhiều nhất trong các nước sản xuất chính.

Tháng 7 - 8, Indonesia và Trung Quốc sẽ thu hoạch và cung ứng nguồn hàng ra thị trường thế giới, do đó giá thế giới sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Đáng lưu ý, Campuchia đã tăng gấp đôi sản lượng so với năm 2016 và gấp 8 lần năm 2013, góp phần gây ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu, dẫn đến giá tiêu thế giới cũng như giá tiêu Việt Nam chung cảnh sụt giảm.

Tương tự mặt hàng nông sản, các mặt hàng công nghiệp cũng đối diện với khó khăn. Mới đây, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu mã HS 8450.20 (đối với máy giặt) và một số bộ phận đi kèm.

Nếu bị áp thuế tự vệ, các sản phẩm máy giặt của Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam sang Mỹ có thể bị áp mức thuế rất cao, tương tự như đã áp với Trung Quốc, Hàn Quốc là 32,1 - 52,5%.

Dự kiến Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào tháng 10 để ra quyết định về việc có áp dụng biện pháp tự vệ hay không vào tháng 12/2017.

Ông Yuichiro Shiotani - Tổng Giám đốc Top Valu Nhật Bản cho rằng: “Tự động hóa là kết quả của việc áp dụng máy móc, kỹ thuật giải phóng sức lao động, tăng chất lượng sản phẩm. Tự động hóa đang là xu hướng của thế giới, Việt Nam cần hướng đến phương thức sản xuất hiện đại này”.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới sẽ có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam đây sẽ là kênh xuất khẩu hàng hóa tốt nhất.

Tuy nhiên, để hàng hóa “made in Vietnam” vào thị trường các nước nhiều hơn mức hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng, có sự khác biệt nhằm thu hút người tiêu dùng các nước.

Đặc biệt, chất lượng tăng mà giá xuất khẩu vẫn giữ nguyên thì thời gian ngắn sản lượng xuất khẩu cũng tăng theo. “Doanh nghiệp Việt Nam phải tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường các nước. Còn như mức hiện nay thì sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chưa thật nhiều. Năm 2016, Nhật Bản chi 600 triệu USD nhập khẩu quần áo, thì có 28 triệu USD là kim ngạch của Việt Nam. Có 687 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa cho thị trường Nhật Bản nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia thị trường này.”, ông Yuichiro Shiotani dẫn chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mừng, lo hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO