Muốn đoàn kết phải có Mặt trận

Lê Ái 17/11/2020 14:00

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi, nhưng muốn đoàn kết phải có Mặt trận. Chính vì vậy, việc thành lập Mặt trận là để tinh thần đại đoàn kết được phát huy, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong Ngày hội Đại đoàn kết tại Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Quang Vinh.

1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Mặt trận có sứ mệnh tổ chức đoàn kết, tạo ra các phong trào đoàn kết trong mọi tiến trình phát triển của đất nước. Do vậy, trong giai đoạn nào của Đảng cũng có sự song hành của Mặt trận.

Mỗi lần đến Mặt trận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều nhắc đến bài học đoàn kết. Ở đó, người đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn đề cao tinh thần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc.

Có thể thấy rằng, với vai trò, vị trí của mình, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, khởi xướng và tổ chức thực hiện đều có tác động và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Vì cán bộ cơ sở của Mặt trận là những người ở trong dân, gần dân và hiểu dân nhất.

Trong nhiều năm qua, Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, với cấp ủy chính quyền ở trên 100 ngàn khu dân cư cả nước phát huy hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, cùng đất nước vượt qua những cam go.

Đối mặt với “thử thách” mang tên Covid-19, từ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận đã “kích hoạt” việc tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn hệ thống, từ đó tinh thần đoàn kết trỗi dậy mạnh mẽ.

Đối mặt với trận lũ lịch sử tàn phá miền Trung trong tháng 10/2020, tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát đi Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

Dưới mái nhà chung Mặt trận, lời kêu gọi của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận như một lời hiệu triệu đoàn kết lòng người san sẻ yêu thương để giúp đồng bào mình vượt qua gian khó. Đó là những bài học quý giá sẽ còn giá trị cho đến mai sau trong nhiều lĩnh vực.

Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.

Việc Mặt trận đứng ra đóng vai trò chủ trì vận động, tổ chức để nhân dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả và tác động trực tiếp đến tham nhũng, đồng thời sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động phòng, chống tham nhũng của các thiết chế khác trong hệ thống chính trị.

“Đảng cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của mình” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Trên tinh thần này, Mặt trận đã ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 và thành lập Ban tham mưu về chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của giai đoạn này.

Trong những năm qua, dưới sự phối hợp, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ các cấp, nhiều cán bộ đã trở thành chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí góp phần phát huy dân chủ cơ sở, dựng xây làng quê, phố phường đổi mới, yên bình.

Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 sau khi được tổng kết sẽ tiếp tục có đề án mới, một chương trình mới, khẳng định vai trò quan trọng của người Mặt trận trong “cuộc chiến” với tham nhũng, lãng phí, đáp ứng sự tin tưởng của nhân dân, đáp ứng với kỳ vọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn với các đại biểu về dự Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX. Ảnh: Quang Vinh.

2. Thời kỳ nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời kỳ nào cũng vậy, khối đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Nhưng ở mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.

Lắng nghe Mặt trận hành động vì dân là một cách để Chính quyền các cấp, các bộ, ngành góp phần xây dựng một chính phủ liêm chính, hành động, một Nhà nước của dân từ đó tiến tới xây dựng một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn.

“Mặt trận và Chính phủ là vì dân, làm những điều dân cần” - đây là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định khi đề cập tới công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Trong nhiều kỳ cuộc của Mặt trận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong những lãnh đạo thường xuyên có mặt. Bản thân người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ông thường sinh hoạt ở cơ sở và dù ở cương vị nào ông cũng thấy rất rõ vai trò cán bộ Mặt trận ở cơ sở vì “các đồng chí nói là dân tin, dân nghe”.

Cho nên, mỗi lần đến với Mặt trận, lời đầu tiên của Thủ tướng là lời cảm ơn tới đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp đã luôn đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của nhân dân. Bởi vậy, lắng nghe Mặt trận tức là lắng nghe tiếng nói của nhân dân để từ đó có sự chuyển động trong hành động của các bộ, ngành, chính quyền các cấp đang là một dấu ấn tốt đẹp.

Nhắc tới vai trò phối hợp của hai cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ với Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tại Hội nghị liên tịch thường niên giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ diễn ra vào tháng 4/2019, rằng, “đừng để đốm lửa nhỏ thiêu rụi cả một cánh rừng lớn”.

Cách nói ví von nhưng mang đầy tính triết lý của Thủ tướng để thêm một lần nói về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và chính quyền các cấp trong việc sát dân, gần dân, hiểu lòng dân cùng xây dựng sự đồng thuận.

Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị MTTQ với vai trò của mình, lựa chọn các vấn đề lớn, được đông đảo nhân dân quan tâm, bức xúc để phối hợp giám sát như cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đánh giá sự hài lòng của người dân với dịch vụ công, trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng…

“Giám sát phải làm gì đó thiết thực. Chứ đừng ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và ông cũng đề nghị giám sát trực tiếp, thường xuyên hơn đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo phối hợp và tạo điều kiện cho MTTQ phát huy vai trò của mình.

Theo Thủ tướng, hiện nay, phát huy dân chủ là vấn đề quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nhất là dân chủ ở cơ sở. Dân chủ mạnh mẽ nhưng phải giữ vững kỷ cương.

Cho nên, hơn lúc nào hết, Mặt trận và Chính phủ cần chủ động nắm bắt những xu hướng, nắm tình hình nhân dân để hoá giải khúc mắc trong nhân dân, trong các tôn giáo, dân tộc để tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết vì sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn với bà con thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong Ngày hội Đại đoàn kết. Ảnh: Quang Vinh.

3. Mặt trận với sứ mệnh gìn giữ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết luôn nhận biết, tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt ở trong các giai tầng xã hội để làm sao có được tiếng nói chung.

Điều này có thể thấy rõ trong các hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm hàng năm giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều năm qua, tại các hội nghị này, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều đánh giá cao vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mặt trận là một kênh quan trọng để Chính phủ hiểu được nguyện vọng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất từ nhân dân”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, “vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật rất quan trọng vì đây là tiếng nói của dân, tâm tư tình cảm nguyện vọng của dân”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.

Với sự ghi nhận đặc biệt này nên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội luôn đồng tình cao với nhiều ý kiến, kiến nghị của Mặt trận tại các kỳ họp Quốc hội hay trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Đặc biệt, gần 16 năm thực hiện Quy chế, qua 4 khóa Quốc hội, quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chủ động, hiệu quả, có chiều sâu, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng công khai, minh bạch, gần dân hơn.

Cũng từ Quy chế phối hợp này, hai cơ quan cũng đã chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, việc đôn đốc, giải quyết các kết luận sau giám sát. Việc phối hợp trong công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ngày càng được coi trọng và có nhiều đổi mới.

Chính từ việc Mặt trận kịp thời phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm các luật được thông qua phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Có nhiều nhiệm vụ mục tiêu đặt ra đối với công tác phối hợp hàng năm giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội…nhưng đích đến cuối cùng vẫn là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi lực cản. Và để kết nối, nhân lên tinh thần đoàn kết ấy, hơn lúc nào hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với sứ mệnh 90 năm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vẫn tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội thực hiện trách nhiệm của mình trong mọi tiến trình của đất nước, của dân tộc.

Như khẳng định của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: “MTTQ Việt Nam tiếp tục xác định vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc phát huy sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức”.

90 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước. Do đó, Mặt trận gắn bó với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội một cách rất mật thiết. Nhưng bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì Mặt trận vẫn có vị trí riêng, đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn đoàn kết phải có Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO