Mỹ phá huỷ 73 máy bay trước khi rời Kabul

Minh Tuấn 31/08/2021 17:20

Quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa hàng loạt máy bay và xe bọc thép cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa công nghệ cao tại sân bay Kabul trước khi rời đi hôm 30/8, một tướng Mỹ cho biết.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm, Tướng Kenneth McKenzie cho biết 73 máy bay tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai đã bị quân đội Mỹ "phi quân sự hóa" trước khi họ kết thúc cuộc sơ tán kéo dài hai tuần khỏi Afghanistan sau khi phiến quân Taliban nắm quyền kiểm soát.

Quân đội Mỹ chắc chắn rằng số vũ khí bị bỏ lại sẽ không thể rơi vào tay của Taliban sau khi rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, Tướng Frank McKenzie chia sẻ.

"Những chiếc máy bay đó sẽ không bao giờ có thể cất cánh được nữa ... Bất kì ai cũng không thể vận hành chúng được", ông nói.

Quân đội Mỹ đang gấp rút hoàn tất thủ tục rút quân khỏi sân bay Kabul, Afghanistan.

Với việc Mỹ hiện đã hoàn tất cuộc không vận lịch sử vào đầu tháng 8, nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt kỳ vọng lực lượng Afghanistan có thể cầm chân Taliban sau quãng thời gian huấn luyện trong nhiều năm, ít nhất cho đến khi quân đội Mỹ rời đi. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như tính toán khi phần lớn trang thiết bị mà Mỹ cung cấp cho lực lượng Afghanistan đã rơi vào tay Taliban.

Theo báo cáo gần đây của Tổng thanh tra về việc tái thiết Afghanistan, quân đội Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn đã sở hữu hơn 150 máy bay trước khi Taliban tiếp quản. Mỹ cũng cung cấp cho họ 600.000 vũ khí bộ binh, 162.000 thiết bị liên lạc và 16.000 kính nhìn đêm kể từ năm 2003, theo Reuters.

Ngoài ra, các binh sĩ Mỹ đã bỏ lại 70 xe thiết giáp chống mìn MRAP, mỗi chiếc trị giá 1 triệu đô la, và 27 chiếc xe đa dụng Humvee cùng với 73 chiếc máy bay. Toàn bộ số phương tiện trên đều đã bị vô hiệu hoá trước khi quân đội Mỹ rời khỏi sân bay Kabul.

Mỹ cũng bỏ lại 2 hệ thống C-RAM - tên lửa phản công, pháo và súng cối, được sử dụng để bảo vệ sân bay Kabul khỏi các cuộc tập kích bằng tên lửa. Tổ hợp này đã giúp quân đội Mỹ thành công bắn hạ 5 quả tên lửa từ Nhà nước Hồi giáo hôm 30/8.

“Chúng tôi đã quyết định duy trì C-RAM hoạt động cho đến phút cuối cùng. Phá huỷ các hệ thống này là một thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian, do đó, chúng tôi đã vô hiệu hoá chúng để không ai có thể sử dụng được nữa. Chúng tôi cảm thấy việc bảo toàn lực lượng của mình quan trọng hơn là mang các hệ thống đó trở theo”, ông McKenzie cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ phá huỷ 73 máy bay trước khi rời Kabul

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO