Mỹ tìm cách phá băng quan hệ đồng minh lâu năm với Thái Lan

Khánh Duy 08/08/2017 19:10

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chuyến công du tới Thái Lan trong hôm 8/8, thúc đẩy giới lãnh đạo nước này có thêm hành động đối với Triều Tiên. Đây là chuyến thăm của một quan chức cấp cao nhất đến nước này kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, khiến mối quan hệ hai bên trở nên lạnh nhạt.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong cuộc gặp tại Bangkok hôm 8/8. (Nguồn: Reuters).

Ưu tiên hàng đầu của ông Tillerson trong chuyến công du lần này là thúc giục các nước đồng minh tại Đông Nam Á có thêm hành động trong việc kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Mỹ tin rằng các công ty hàng đầu của Triều Tiên hoạt động mạnh mẽ ở Thái Lan và đang cố gắng thuyết phục nước này đóng cửa các công ty trên, theo cố vấn Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Susan Thornton.

Theo bà Thorton, các công ty nói trên hiện đang tận dụng thủ đô Bangkok của Thái Lan như một tuyến trung chuyển và thường xuyên thay đổi tên.

Trước khi tham gia cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Tillerson, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói rằng, đất nước ông sẽ ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về các lớp lệnh trừng phạt áp đặt với chính quyền Bình Nhưỡng do các vụ thửu tên lửa. Nhưng ông Chan-ocha không đề cập tới một hành động cụ thể nào.

Mỹ hiện đang khuyến khích Thái Lan tiếp nhận người tị nạn Triều Tiên nhiều nhất mà họ có thể, bà Thornton nói. Hãng tin Reuters hồi tuần trước cũng đưa tin rằng số lượng người Triều Tiên đổ tới Thái Lan một cách bất hợp pháp đã tăng đột biến trong những tháng gần đây.

Kể từ sau cuộc đảo chính hồi năm 2014 đến nay, quan hệ của Mỹ và Thái Lan đã trở nên lạnh nhạt. Washington coi vấn đề chính trị và nhân quyền của Thái Lan là điều đáng quan tâm, trong lúc đang cố gắng củng cố mối quan hệ với đồng minh lâu năm nhất trong khu vực này.

"Chúng tôi mong muốn Thái Lan trỗi dậy để trở thành một nền dân chủ mạnh mẽ, trong đó tôn trọng và đảm bảo nhân quyền, quyền tự do cơ bản và đóng một vai trò dẫn đầu trong an ninh và sự thịnh vương của toàn khu vực" - Một người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok nói.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, tuy nhiên, không đưa ra bất kỳ thông điệp nào liên quan tới vấn đề nhân quyền khi ông có buổi nói chuyện với cộng đồng người dân Mỹ tại khu nhà ở của Đại sứ quán tại Bangkok, thay vào đó nhấn mạnh về mối quan hệ đồng minh truyền thống đã tồn tại suốt 200 năm qua.

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ này, ngay cả khi nó có những lúc thăng trầm" - ông Tillerson nói.

Ông Tillerson đã có cuộc gặp với người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai, trước khi hội đàm với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Tại cuộc gặp, ông Don cũng nhấn mạnh về quan điểm của Thái Lan trong việc ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan và có lời mời ông tới thăm Nhà Trắng, tuy nhiên chưa có một thời hạn nào được đặt ra.

Một trong những vấn đề hiện đang gây cản trở trong mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan chính là những ảnh hưởng từ sau cuộc đảo chính năm 2014 ở quốc gia Đông Nam Á. Nhiều tổ chức nhân quyền đã từng nêu rõ quan ngại về việc chính quyền Washington nối lại quan hệ bình thường với Bangkok trong lúc mà chính quyền nước này vẫn tiếp tục thực hiện các vụ thanh trừng những phe phái đối lập.

Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hồi tháng 5/2014 ở Thái Lan xảy ra nhiều tháng sau khi làn sóng biểu tình đường phố trỗi dậy mạnh mẽ ở nước này với tuyên bố sẽ phục hồi lại nền dân chủ. Nhưng các cuộc bầu cử sẽ không thể diễn ra cho đến năm sau trong khi Hiến pháp mới được sửa đổi của nước này cũng đã gia tăng quyền lực của quân đội.

Kể từ sau vụ đảo chính, Thái Lan đã áp dụng quan điểm xích lại gần hơn với Bắc Kinh, và trong năm nay đã phê duyệt thỏa thuận mua tàu ngầm, xe tăng, trực thăng chiến đấu trị giá 500 triệu USD từ phía Trung Quốc, bên cạnh một dự án xây dựng tuyến đường sắt mới ở nước này.

Một nguồn cơn gây căng thẳng khác chính là thặng dư thương mại của Thái Lan đối với Mỹ. Thặng dư thương mại đã đạt tới gần 19 tỷ USD trong năm ngoái, dù giới chức Thái Lan dự kiến sẽ có đợt tăng mạnh các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này để giảm bớt con số trên.

Trong chuyến thăm kéo dài 5 giờ đồng hồ ở Bangkok, ông Tillerson cũng ký vào một quyển sổ viếng Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người đã qua đời sau 7 thập kỷ trị vì, khiến cho người dân Thái Lan hết sức đau buồn. Chuyến thăm của ông cũng diễn ra sau khi tham dự một diễn đàn an ninh khu vực ở Manila, Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ tìm cách phá băng quan hệ đồng minh lâu năm với Thái Lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO