Năm 2021, doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 13,5 nghìn tỷ đồng

T.Hằng - M.Sang 19/09/2022 14:00

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2021 doanh nghiệp nhà nước (gồm doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước) lỗ hơn 13,5 nghìn tỷ đồng. Số lỗ lũy kế đến hết năm 2021 là trên 33 nghìn tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nhà nước báo lỗ nghìn tỷ đồng. Ảnh:TTXVN.

Bộ Tài chính vừa tổng hợp kết quả giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (100% vốn nhà nước) và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (khối Trung ương), Bộ Tài chính tổng hợp số liệu 131 DN, trong đó có 125 DN kinh doanh có lãi, 6 DN kinh doanh lỗ (Công ty TNHH MTV 622, Công ty TNHH MTV Hacota, Công ty TNHH MTV 990, Công ty TNHH MTV Thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam).

Tổng số lỗ phát sinh năm 2021 của 6 doanh nghiệp trên là 600 tỷ đồng, trong đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 565 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV 622 phát sinh lỗ 33 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 16,5 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2021 là 5.000 tỷ đồng. Trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 2,6 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ lũy kế 1,8 nghìn tỷ đồng.

Đối với DN có vốn nhà nước khối Trung ương, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu của 57 DN, có 35 DN kinh doanh có lãi, 7 DN kinh doanh lỗ. 7 DN báo lỗ với tổng số tiền phát sinh năm 2021 là 12,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, DN lỗ cao nhất là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) phát sinh lỗ 11,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 91,66% tổng số lỗ phát sinh năm 2021 của các DN). Ngoài ra, một số DN có mức lỗ lớn khác như: Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lỗ 354 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ 342 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2021 là 27,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó một số DN có lỗ lũy kế lớn như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) lỗ lũy kế là 18,87 nghìn tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ lũy kế 3,9 nghìn tỷ đồng.

Về kết quả giám sát tài chính của các UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khối địa phương). Đối với các DN nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu của 270 DN nhà nước khối địa phương, có 19 DN kinh doanh lỗ với số tiền 72,6 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2021 là 365 tỷ đồng.

Trong đó, một số DN hiện có lỗ lũy kế lớn như Công ty cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV Nam Nung, Công ty TNHH MTV sản xuất kinh doanh TH Krông Ana. Đối với các DN có vốn nhà nước khối địa phương, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu của 274 DN, trong đó 221 đơn vị kinh doanh có lãi, 45 đơn vị kinh doanh lỗ, 8 DN không báo cáo.

Liên quan đến hoạt động khối DN nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng DN, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để DN chủ động, tự chủ trong xử lý dự án. Nhà nước sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Ngoài ra cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của DN nhà nước về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Để tạo điều kiện cho DN nhà nước nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thúc đẩy hoạt động đầu tư giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan xem xét thực hiện triệt để hơn việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cả về thể chế và tổ chức, bộ máy theo hướng nhà nước quản lý theo mục tiêu (giao mục tiêu, kế hoạch cho DN), tăng tính chủ động, tự quyết của DN, giảm bớt việc can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Cụ thể, phân cấp mạnh hơn cho DN trong việc quyết định một số công việc thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển để nâng cao tính chủ động, linh hoạt và kịp thời thích ứng với cơ chế thị trường. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đại diện trực tiếp phần vốn nhà nước tại DN trong việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2021, doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 13,5 nghìn tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO