Nam Định: Lao động tự do nào được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?

Duy Hưng 30/07/2021 13:30

Khác với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây, ở gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương tự xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với các đối tượng là lao động tự do bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chiều qua, 29/7, thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7, do Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin truyền thông tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức, ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết các cơ quan liên quan của tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Không để hồ sơ đủ điều kiện tồn đọng”

Liên quan đến việc hỗ trợ các đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do), ông Trọng cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 20/7/2021, quy định về hỗ trợ các đối tượng là lao động tự do bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định Hoàng Đức Trọng thông tin về việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ ở địa phương

Theo đó, những người là lao động tự do làm các công việc sau thuộc diện được chính quyền địa phương hỗ trợ: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác (người làm công việc bốc vác hàng hoá tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển); vận chuyển hàng hoá (người thực hiện vận chuyển hàng hoá bằng xe thô sơ, xe mô tô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển); lái xe mô tô chở khách (xe ôm), xe xích lô chở khách

Người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh thuộc một trong các lĩnh vực ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán ăn nhanh, cửa hàng bán đồ ăn mang về, hàng ăn uống trên phố, trong chợ, xe bán hàng ăn uống lưu động, quán rượu, bia, quán cà phê, giải khát); lưu trú (khách sạn, căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà trọ, phòng trọ); chăm sóc sức khoẻ (người làm nghề massage, xoa bóp y học, châm cứu không có địa điểm cố định; người làm việc tại các hộ kinh doanh có đăng ký hoạt động massage, xoa bóp y học, châm cứu); cơ sở kinh doanh dịch vụ (làm việc tại các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet, karaoke, quán Bar, phòng tập gym, yoga, câu lạc bộ thể hình, aerobic, các cơ sở làm đẹp, Spa).

Các đối tượng trên được hỗ trợ với điều kiện:

Mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức 1.500.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn hoặc 2.000.000 đồng/tháng đối với khu vực thành thị (Mức chuẩn cận nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ).

Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Nam Định theo quy định của Luật cư trú (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận).

Cư trú, làm việc tại địa bàn áp dụng biện pháp thiết lập cách ly y tế hoặc làm việc trong lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Nam Định quyết định từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Theo Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Nam Định, căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, chính quyền tỉnh quyết định mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần (bằng mức tối thiểu theo Nghị quyết 68). Thời gian hỗ trợ: áp dụng từ 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Ông Hoàng Đức Trọng cũng cho biết, trong Thông báo ngày 28/7, UBND tỉnh chỉ đạo: “Riêng các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng theo Quyết định số 30 của UBND tỉnh, yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, thẩm định, lập danh sách hỗ trợ , trình UBND tỉnh trước ngày 15/8”.

“Còn trong công văn số 451, UBND tỉnh chỉ đạo những trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, tiến hành thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ ngay, những trường hợp hồ sơ có những vấn đề cần xem xét, chưa rõ thì tiếp tục xem xét và trình sau, tuyệt đối không để hồ sơ đủ điều kiện tồn đọng”, ông thông tin và cho biết “hiện Sở Lao động Thương binh Xã hội đã thành lập tổ tiếp nhận hộ sơ. Chỉ chờ các huyện, thành phố chuyển hồ sơ là tỉnh giải quyết ngay”.

Nhiều lao động tự do bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 được chính quyền tỉnh Nam Định đưa vào diện được hỗ trợ.

2.356 doanh nghiệp đã được giảm mức đóng BHTNLĐ, BNN

Cũng liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp tham mưu triển khai, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Nam Định Hoàng Đức Trọng cho biết các sở, ngành khác thuộc tỉnh (Tài chính, Bảo hiểm Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, Cục thuế, Ban Quản lý các KCN…); UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã và đang tích cực triển khai các phần việc, trách nhiệm được giao.

Trong đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.356 người sử dụng lao động (doanh nghiệp) với hơn 147.000 người lao động ở tỉnh, với tổng số tiền là gần 3,5 tỷ đồng. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh cũng đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 45 viên chức hoạt động nghệ thuật, 12 hướng dẫn viên du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Lao động tự do nào được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO