Trước tác động xấu của dịch Covid-19, Chính phủ tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhiều DN bày tỏ, dù thủ tục đã đơn giản hơn gói 62.000 tỷ trước đó, song vẫn khó tiếp cận.
Nhiều doanh nghiệp không mặn mà
Giám đốc một DN ngành du lịch cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, DN lữ hành chịu thiệt hại đầu tiên và cũng là đối tượng phục hồi sau cùng. Bởi khi dịch bệnh có được đẩy lùi, người dân cũng chưa thể đi du lịch ngay, họ còn phải hồi phục đời sống, lo cơm áo gạo tiền trước nhất mới có thể tính đến chuyện du lịch, nghỉ dưỡng.
Đánh giá về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, vị giám đốc cho rằng, cũng kịp thời như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đó, song ông rất ngại khi nghĩ đến việc phải thực hiện các thủ tục để nhận được một khoản hỗ trợ từ gói này. Trước đó, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã đưa ra những điều kiện khắt khe như phải chứng minh giảm 30% doanh thu và số lao động phải giảm tới 50% mới được hỗ trợ.
“Điều kiện như vậy, những DN có thể đáp ứng được cũng không thể sống nổi nữa rồi, lúc đó cần gì hỗ trợ và vực dậy nữa”, vị này nêu quan điểm.
Trong khi đó, ở gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này có dành 7.500 tỷ đồng cho các đối tượng là hộ kinh doanh, nhưng số hộ kinh doanh bị thiệt hại vì Covid-19 là vô cùng lớn, vậy nên với khoản tiền đến tay mỗi DN chỉ là một con số rất “khiêm tốn”. Vì thế bản thân các hộ kinh doanh cũng không còn cảm thấy mặn mà, bởi số tiền đó cũng không thể nào vực dậy nổi hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Nhiều DN than thở, dù điều kiện của gói 26.000 tỷ đồng đã được nới lỏng nhưng đạt được các tiêu chí để hỗ trợ là rất khó. Trên thực tế, số DN không có nợ xấu là con số hiếm hoi. Bởi, trong suốt thời gian dài bị dịch bệnh hoành hành, sức khỏe của phần lớn các DN, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ, siêu, nhỏ đã kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới nên tiêu chí này thực sự không có tính khả thi đối với các DN.
Theo chia sẻ của ông N.V.H, chủ một DN ngành vật liệu xây dựng, để có thể cầm cự được trong suốt hơn một năm vừa qua, ông đã phải đi cầm cố tài sản, vay mượn tiền ngân hàng, thậm chí vay cả tín dụng đen. Vậy nên DN của ông hiện giờ đang ở trong tình trạng “nợ chồng nợ”. Với tiêu chí đưa ra trong gói 26.000 tỷ đồng, DN của ông chắc chắn không thể tiếp cận.
Cần chính sách linh hoạt
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, các thủ tục để có thể tiếp cận các gói hỗ trợ vẫn khá rườm rà, các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận gói hỗ trợ khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt... khiến các DN nhỏ và siêu nhỏ rất e ngại khi nghĩ đến khâu làm thủ tục. Trong khi đó, những DN đang lao đao vì dịch chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa một gói hỗ trợ dành riêng cho DN, trong đó miễn, giảm thuế và tiền đóng góp, bên cạnh đó là phân loại DN để cho vay. Đối với các DN du lịch, dịch vụ thiệt hại nặng nề nhất, tổn thương trước và hồi phục sau, cần mức như thế nào, cách tiếp cận ra sao, với các DN ngành sản xuất cũng cần có những mức ưu tiên để DN có thêm động lực hồi phục. Khi phân loại được các DN được ưu tiên hỗ trợ, nguồn tiền sẽ đến đúng đối tượng hơn.
Trước đó, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng lúc đầu đưa ra cũng đã tạo nên những kỳ vọng về phục hồi sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, thực tế số DN có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này là rất ít. Nhiều DN không thể đáp ứng được các tiêu chí mà gói hỗ trợ đưa ra và phần lớn DN cảm thấy ngại khi nghĩ đến việc thực thi các thủ tục để có thể tiếp cận gói hỗ trợ.
Nói về các gói hỗ trợ cũng như những chính sách mà nhà quản lý đưa ra để cứu cộng đồng DN trong thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế đã được đưa ra trước đó, đối với các gói mới cần phải tính đến một cách bài bản hơn. Theo ông Hiếu, để hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, cần phải phân loại theo quy mô, ngành nghề, khả năng chống dịch.
“Các chính sách đưa ra cần phải có tiêu chí dễ dàng hơn, thiết thực hơn, DN mới không cảm thấy e ngại khi muốn tiếp cận gói hỗ trợ, lúc đó mới thực sự khả thi”, ông Hiếu nhấn mạnh.