Nam Định ‘tham vọng’ gì trong xây dựng NTM đến năm 2025?

Duy Hưng 25/06/2022 07:59

Sau kết quả ấn tượng xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam sông Hồng vừa đề ra những mục tiêu khá cao trong giai đoạn tiếp theo…

Chiều 24/6, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành bản Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bản kế hoạch dài 11 trang đánh máy, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng ký.

“Xây dựng NTM thông minh”

Đáng chú ý, trong bản kế hoạch này, chính quyền Nam Định đề ra những mục tiêu rất cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Trong đó, Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; Huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

Nông thôn Nam Định ngày nay.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Nam Định có 11 nhóm nội dung, bao gồm:

- Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch.

- Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn,... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

- Giảm nghèo bền vững.

- Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

- Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

- Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

- Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM.

- Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền thông về xây dựng NTM; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM.

Bao nhiêu tiền để thực hiện “tham vọng”?

Để thực hiện 11 nhóm nội dung trên, trong kế hoạch Nam Định dự kiến sẽ huy động khoảng 45.300 tỷ đồng tổng vốn để thực hiện.

Cơ cấu vốn huy động bao gồm: vốn ngân sách trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng (chiếm 2,2%); vốn ngân sách địa phương dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác dự kiến khoảng 15.500 tỷ đồng (chiếm 34,2%); vốn tín dụng dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng (chiếm 44,2%); vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 600 tỷ đồng (chiếm 1,3%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng dự kiến khoảng 5.200 tỷ đồng (chiếm 11,5%).

Một Nhà máy nước sạch mới được khánh thành ngày 4/6/2022 tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Trong bản kế hoạch, Nam Định đưa ra 5 nhóm giải pháp, trong đó ở nhóm giải pháp thứ 3, chính quyền tỉnh nhấn mạnh yêu cầu “giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM”.

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, Sở NN và PTNT được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện các nội dung Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội “tích cực tham gia vào thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình; thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình; tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…

Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam sông Hồng. Sau sáp nhập, Nam Định hiện có 226 xã, phường, thị trấn, trong đó có 188 xã, 16 thị trấn.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Nam Định về đích khá sớm khi đến giữa năm 2019, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn. Huyện Hải Hậu là một trong 5 huyện của cả nước được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định ‘tham vọng’ gì trong xây dựng NTM đến năm 2025?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO