‘Năm học dũng cảm’ ở Israel

Thanh Đức 06/09/2021 06:20

“Bước vào năm học mới, Israel tiêm chủng vacine ngừa Covid-19 cho học sinh ngay tại sân trường. Cho dù số ca mắc Covid-19 vẫn tăng nhưng chúng tôi vẫn cho học sinh đi học trở lại. Hiện khoảng 30% số trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại Israel đã được tiêm đủ liều vaccine. Tuy nhiên, học sinh đến trường cần mang theo giấy có ý kiến phụ huynh đồng ý vì đây là năm học dũng cảm” - đại diện Bộ Giáo dục Israel cho biết.

Bài toán hóc búa

Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine, và có tới hơn 1 năm không có ca Covid-19 nhiễm mới nào, cho tới tháng 6 năm nay. Người dân Israel vẫn tin tưởng rằng Covid-19 đã bị đánh bại cách đây 2 tháng. “Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã trở lại, nhưng cũng không thể vì thế mà cuộc sống phải ngưng trệ. Cuộc sống cần phải bình thường khi chúng ta đã tiêm vaccine” - Tiến sĩ Salman Zarka, chuyên gia về Covid-19 nói.

Phát biểu trước Quốc hội Israel khi trường học chuẩn bị mở cửa trở lại, trong khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 5 đã ghi nhận gần 11.000 ca nhiễm, “xô đổ mọi kỷ lục”, Tiến sĩ Zarka nói: “Tôi không muốn làm các vị sợ hãi. Nhưng đây là dữ liệu. Thật không may, những con số không biết nói dối”. Tiến sĩ Zarka khẳng định “dịch bệnh vẫn còn ở ngoài đó” và cần phải chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ 5 có thể sắp xảy ra. Nếu nhận rõ tình thế và chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp thì có thể làm chủ được tình hình.

Hagai Levine, giáo sư dịch tễ học của Đại học Hebrew tại Jerusalem cho biết, chúng ta cũng không nên cố gắng tìm hiểu vì sao làn sóng thứ 4 trở lại mà hãy tập trung vào việc làm cách nào để cuộc sống bình thường nhất có thể. “Chúng ta vẫn đang sống giữa đại dịch và không có giải pháp dễ dàng và nhanh chóng cho vấn đề này. Vì thế cần phải tìm cách thích nghi” - ông Levine nói.

“Tôi cho rằng chúng ta đang đối phó với một loại virus khó chịu và hung hãn. Đó không phải là vấn đề của riêng Israel. Mọi nơi đều thế” - bà Galia Rahav, bác sĩ Bệnh viện Sheba cho hay. Tương tự, Tổng Vụ trưởng Bộ Y tế Israel, ông Nachman Ash, cho rằng cần xác định chiến lược sống chung với dịch bệnh.

“Có thể sẽ có các ca bệnh tại trường học, nhưng tự đóng cửa ở nhà và đóng cửa hệ thống trường học không phải là một giải pháp đúng đắn” - theo ông Zarka.

Đây là bài toán hóc búa đối với Israel. Việc cho phép học sinh học tập trung trên lớp là một quyết định táo bạo của Chính phủ Israel trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19: Sống chung với dịch bệnh. Hơn 2,5 triệu học sinh và 200.000 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Israel đã bước vào một “năm học dũng cảm”. Học trực tuyến hay đến lớp là trăn trở của ngành giáo dục cũng như người dân Israel trong suốt hai tháng qua, khi dịch Covid-19 quay lại lần thứ 4 với biến thể Delta. Sau nhiều cuộc tranh luận quyết liệt, quyết định cuối cùng được đưa ra sát nút trước ngày khai trường (1/9). Cũng cần nhắc lại, đây là năm học thứ ba hệ thống trường học ở Israel bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với 3 lần đóng cửa rồi lại mở cửa, kèm theo các biện pháp giãn cách, phòng dịch trong trường học.

Quan trọng là hành vi của mỗi người

Từng là một hình mẫu của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và hiện nay cũng thuộc nhóm nước có tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân số cao nhất thế giới, tại sao Israel vẫn phải tiếp tục loay hoay đối phó với dịch bệnh? Theo Tiến sĩ Oren Kobiler (Đại học Tel Aviv) thì có nguyên nhân là hiệu quả của vaccine chưa chặn được biến thể của SARS-CoV-2, mà ở đây là biến thể Delta. “Tuy nhiên, thực tế cho thấy số ca nhiễm mới chủ yếu rơi vào những người chưa tiêm vaccine, còn số người tái nhiễm chỉ ở con số 0,71% và không diễn biến nặng”.

Từ đó, Tiến sĩ Kobiler cho rằng cho phép học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè có thể lặp lại tình trạng lây nhiễm dịch bệnh, nhưng đóng cửa trường học sẽ để lại hậu quả lớn về tâm lý và kết quả học tập đối với học sinh. Đây cũng là bài toán chung đối với các lĩnh vực khác, từ bán lẻ tới du lịch, mà Chính phủ Israel đang cố gắng tìm lời giải khi quyết định nới lỏng toàn bộ các quy định về giãn cách xã hội từ tháng 4 vừa qua.

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã nhiều lần khẳng định chủ trương quyết tâm chống dịch mà không phải đóng cửa các hoạt động kinh tế - xã hội. Ông Bennett từng tuyên bố: “Chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể nhằm tránh phải phong tỏa xã hội. Phong tỏa chỉ là biện pháp cuối cùng”. Bên cạnh đó, chính quyền cũng quy định chỉ có những người được chứng nhận đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh mới được vào những nơi như rạp hát, bảo tàng, khách sạn, nhà hàng...

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù vaccine là quan trọng nhưng đeo khẩu trang vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa lây nhiễm. Tiến sĩ Kobiler khẳng định: “Tôi cho rằng nguyên nhân chính cho làn sóng dịch mới là ở hành vi của con người chứ không chỉ do biến thể Delta hay là sự sụt giảm trong tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Nó đã dễ dàng lây lan là do mọi người không giữ giãn cách và không đeo khẩu trang”.

Hầu hết các nước châu Âu đã khai giảng năm học mới trong hai ngày 2/9 và 3/9. Tại Pháp, hơn 12 triệu học sinh từ mẫu giáo đến trung học đã quay lại trường học, với các biện pháp phòng dịch cần thiết. Trong lớp học và không gian kín tại trường, giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 phải đeo khẩu trang. Từ cấp 1 trở xuống, nếu phát hiện 1 ca mắc Covid-19 trong lớp thì toàn bộ lớp sẽ nghỉ học cho đến hết hạn cách ly. Từ cấp 2 đến cấp 3, nếu có ca nhiễm thì những ca tiếp xúc đã tiêm vaccine sẽ vẫn đi học bình thường, học sinh nào chưa tiêm sẽ phải nghỉ học cách ly 7 ngày và học từ xa.

Nhìn chung, ngoài quy định giống nhau về khẩu trang, khử khuẩn và thông khí lớp học thường xuyên, các nước châu Âu chủ yếu khác nhau ở việc có đóng cửa lớp học nếu phát hiện ca mắc hay không. Đa số các nước đều ưu tiên việc hoạt động bình thường, chỉ yêu cầu học sinh mắc Covid-19 nghỉ học và cách ly 10 ngày, học sinh tiếp xúc gần nhưng chưa tiêm vaccine nghỉ 7 ngày. Các nước như Bỉ hay Anh hoàn toàn không đề cập việc đóng lớp học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Năm học dũng cảm’ ở Israel

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO