Năm nay, Việt Nam nhập 90 triệu liều vaccine Covid-19 từ 4 nguồn

Minh Khánh (tổng hợp) 24/02/2021 17:11

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 24/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021 Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.  Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Sẽ có 90 triệu liều vaccine trong năm 2021

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay vaccine có các nguồn sau:

Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này.

Thứ hai, nguồn vaccine của AstraZeneca. Ngày hôm qua (23/2) Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty VNVC. Lô 30 triệu liều vaccine này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua công ty VNVC. Hôm nay và ngày mai, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vaccine theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vaccine.

Thứ ba, vaccine của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2012, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này.

Thứ tư, vaccine Sputnik V của Nga. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.

117.000 liều vaccine Covid-19 về đến sân bay Tân Sơn Nhất trong sáng nay 24/2. (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.

Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số liều là 90 triệu.

"Như vậy, trong năm 2021 chúng tôi đảm bảo không thiếu vaccine. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ".

Đối với vaccine trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vaccine. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam. Vaccine của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này. Vaccine của IVAC có hiệu quả tốt.

Trưa nay 24/2, phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và một số địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lưu thông hàng hóa và tiêm vaccine Covid-19.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ và khẩn trương có vaccine nhanh nhất.

"Vaccine về sân bay, tinh thần ngành y tế là thần tốc, mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn tiêm cho các đối tượng. Chiến lược là "vaccine + 5K". Không vì vaccine mà chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ ngay hôm nay phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết về đối tượng ưu tiên tiêm vaccine miễn phí.

Lô vaccine Covid-19 đầu tiên về đến Việt Nam

Hơn 10h sáng nay 24/2, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam, gồm 117.600 liều, mở đầu cho công tác chủng ngừa đẩy lùi đại dịch vốn đã được chờ đợi rất lâu trên cả nước.

Với lô vaccine này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vaccine phòng Covid-19 uy tín hàng đầu thế giới.

Đây là vaccine của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11/2020. Theo đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021, được giao về Việt Nam thành nhiều đợt.

Lô vaccine do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Đơn vị được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu vaccine là Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn (VNVC).

Có mặt tại sân bay đón lô vaccine đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng: “Lô vaccine đầu tiên được nhập về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Mặc dù cả nước đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng để thực hiện được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định phải tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

Đại diện cơ quan chức năng tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam. (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh: “Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực, chủ động của Hệ thống tiêm chủng VNVC và công ty AstraZeneca đã sớm tiến hành các thỏa thuận đặt mua vaccine ngay từ giai đoạn rất sớm, khi còn trong quá trình nghiên cứu phát triển vaccine, nhờ đó Việt Nam sớm có lô vaccine này. Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập khẩu các vaccine ngừa Covid-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vaccine nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên".

Đại diện đơn vị nhập khẩu - Hệ thống trung tâm tiêm chủng vaccine (VNVC) cho biết, VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.

Theo VNVC, vaccine ngừa Covid-19 này cho khả năng đáp ứng miễn dịch cao, từ 62% - 90% ở các liều dùng khác nhau, vượt mức kỳ vọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho các loại vaccine phòng Covid-19 (trên 50%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người được tiêm vaccine đều có đáp ứng miễn dịch với Covid-19 mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nào về độ an toàn ở cả hai chế độ liều dùng.

Cận cảnh pallet lô vaccine Covid-19 AstraZeneca đầu tiên tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: VNVC.

Những điểm nổi bật của vaccine Covid-19 của AstraZeneca

Hiệu quả miễn dịch cao: Sau hai liệu trình thử nghiệm, vaccine cho hiệu quả bảo vệ trung bình đạt từ 62-90%, vượt mức kỳ vọng của WHO khi WHO công bố chỉ cần đạt trên 50% hiệu lực bảo vệ trước COVID-19 là các vaccine đã có thể được sản xuất rộng rãi.

Đảm bảo tính an toàn: Vaccine cũng được thử nghiệm trên 60.000 người khắp toàn cầu. Các thử nghiệm giai đoạn II/III ở Anh và Brazil cho thấy vaccine này hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa Covid-19, mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào.

Công nghệ mới, ổn định: Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector, ổn định hơn so với phương pháp mRNA (thông tin di truyền) của những vắc xin khác cùng xuất phát điểm.

Bảo quản dễ dàng: Vaccine có thể được lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ bảo quản vaccine thông thường (từ 2 - 8 độ C) ngay tại cơ sở tiêm chủng bằng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP và bảo quản tại tủ lạnh chuyên dụng tại phòng tiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm nay, Việt Nam nhập 90 triệu liều vaccine Covid-19 từ 4 nguồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO