Nắn dòng chảy FDI

Ngọc Quang 19/11/2022 07:00

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài 10 tháng đầu năm đạt hơn 22,46 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn luôn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Suốt từ năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu gặp khó khăn dẫn tới xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, đầu tư ra nước ngoài ít. Các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới để đối phó với đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại các dự án đầu tư, trong khi đó nguy cơ của một cuộc suy thoái khiến các công ty đa quốc gia phải xem xét lại các dự án mới. Dòng vốn FDI trên toàn cầu đã giảm 35% trong năm 2020 so với năm 2019, từ 1.500 tỷ USD xuống dưới 1.000 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2005 và thấp hơn gần 20% so với mức đáy năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm 2021, FDI toàn cầu phục hồi, đạt 1.582 tỷ USD. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là do lợi nhuận đến từ các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A), nhưng đáng chú ý là dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển tăng chậm hơn so với dòng FDI vào các khu vực phát triển. Tỷ trọng FDI của các nước đang phát triển trong FDI toàn cầu đã giảm từ 66% (năm 2020) xuống 53% (năm 2021).

Sang năm 2022, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 vẫn không chấm dứt, thiên tai diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, giá nhiên liệu, lương thực cũng như lạm phát tăng cao khiến nhiều quốc gia, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia phải “co lại thủ thế”, không dám đầu tư mới. Tới hết tháng 10, lạm phát ở Mỹ giảm so với tháng 9 nhưng vẫn ở mức hơn 8%. Còn 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), bao gồm 19 quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lạm phát trung bình đã xấp xỉ 2 con số. Đây được coi là mức lạm phát lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Nhưng như các định chế tài chính quốc tế thống nhất nhận xét thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát cả năm 2022 dự kiến trên dưới 4% và tăng trưởng GDP ở mức 7%.

Vì thế, cũng có thể hiểu được vì sao Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài.

Tới nay, Việt Nam đã qua giai đoạn tìm kiếm dòng vốn FDI bằng mọi giá và bước sang giai đoạn tiếp nhận các dự án FDI một cách chọn lọc; ưu tiên cho nhà đầu tư công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh; không chấp nhận dự án FDI gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch. Đáng chú ý, ngoài việc tiếp nhận dòng vốn FDI, thì các dự án “ngang bằng” giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài ngày một nhiều hơn, phần nào cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh. Nếu như với doanh nghiệp FDI, lợi nhuận chuyển ra nước ngoài thì với doanh nghiệp hợp tác đầu tư, phần lợi nhuận quan trọng sẽ ở lại trong nước.

Được biết, dự thảo Đề án Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, về quan điểm, việc thu hút đầu tư nước ngoài phải có trọng tâm, trọng điểm, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý tiên tiến...

Cùng đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là một trong những định hướng quan trọng, từ đó tăng cường kết nối nội - ngoại. Trên thực tế, tới nay mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn đang là hạn chế lớn. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân chỉ ở mức 20-25%, trong đó dệt may, da giày ở mức 40-45%; điện tử gia dụng 30-35%; lắp ráp ô tô cá nhân chỉ 7-10%.

Chính vì thế, trong dự thảo Đề án thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến tiêu chí “tính liên kết và tác động lan tỏa”. Theo đó, tiêu chí có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị được nhấn mạnh.

Thu hút FDI là cần thiết, tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa thấp, liên kết nội - ngoại lỏng lẻo sẽ khiến hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài hạn chế. Hy vọng điều đó sẽ được khắc phục với việc tăng cường mối liên kết nội - ngoại, trên tinh thần cả hai cùng thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắn dòng chảy FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO