Nan giải bài toán bảo vệ môi trường - Bài 2: Hẩm hiu những dự án xử lý môi trường tiền tỷ

Đức Sơn - Minh Sang 18/12/2020 07:20

Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở các làng nghề, hàng loạt những công trình tiền tỷ, chục tỷ được đầu tư xây dựng. Nhưng khi nhìn vào tính hiệu quả một số công trình, chúng ta không khỏi thất vọng…

Nước thải từ các hộ làng nghề Bình Yên đổ thẳng ra kênh mương nội đồng.

Lãng phí

Trong số này phải kể đến dự án công trình Trạm xử lý nước thải làng nghề cơ khí tái chế nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Theo đó, trong suốt giai đoạn từ năm 2003 - 2007, làng nghề này được hỗ trợ đầu tư một số dự án nhằm khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do Sở Tài Nguyên và Môi trường Nam Định làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí lên đến 88,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau khi dự án hoàn thành, việc vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung làng nghề Bình Yên vẫn bị tắc, đến nay vẫn không thể vận hành được. Nguyên nhân được chỉ rõ là do UBND xã Nam Thanh không có cán bộ chuyên môn cùng chi phí để vận hành trạm xử lý nước thải. Hiện toàn bộ nước thải của hơn 220 hộ làm nghề đều “tống” thẳng ra hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng.

Tương tự, với sứ mệnh giải cứu làng nghề khỏi ô nhiễm, Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê 194 tỷ đồng (thuộc hệ thống xử lý môi trường làng nghề giấy Phong Khê) có công suất thiết kế 5.000 m3/ngày/đêm, từng được người dân phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đặt rất nhiều kỳ vọng để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Ngày 17/3/2017, UBND TP Bắc Ninh ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh để tiến hành chạy thử, hiệu chỉnh máy móc đối với Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê. Nhưng cho tới nay, đã hơn 3 năm trôi qua, Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Đáng chú ý, trong thời gian vận hành chạy thử nghiệm, nhà máy này liên tục xảy ra sự cố hỏng hóc máy móc, thiết bị, chất lượng nước thải đầu ra không đạt cột A so với quy chuẩn QCVN 12-MT:2015, QCVN 40:2011.

Từ ngày 13/9/2020 tới nay, máy bơm nước thải từ bể điều hòa lên bể xử lý hỏng nên Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê chỉ vận hành máy thổi khí để duy trì vi sinh trong bể Aeroten. Hiện UBND TP Bắc Ninh đang phối hợp cùng sở, ngành của tỉnh và chỉ đạo các cơ quan triển khai giải pháp khắc phục và điều chỉnh dự án nhằm vận hành hiệu quả nhà máy.

Trên thực tế, thì không đợi đến khi Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê đi vào hoạt động chính thức, đều đặn mỗi ngày, khoảng 12.000 m3 nước thải chưa qua xử lý từ các dây chuyền tái chế giấy, ồ ạt đổ ra môi trường, nhuộm đen cả một khúc sông Ngũ Huyện Khê, chảy vào sông Cầu.

Thêm những dự án xử lý môi trường tiền tỷ

Trong khi dự án công trình Trạm xử lý nước thải làng nghề cơ khí tái chế nhôm Bình Yên ngót trăm tỷ đồng còn chưa được vận hành, hoạt động chính thức, thì mới đây, ngày 2/10/2020, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 2436/QĐ-UBND, do ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch tỉnh, ký Phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật: Xây dựng các hạng mục xử lý môi trường làng nghề Bình Yên giai đoạn I. Tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Còn tại TP Bắc Ninh, trong khi Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê 194 tỷ đồng vẫn đang trong quá trình thạy thử nghiệm với nhiều lỗi hỏng hóc, thì trong báo cáo “Kết quả giải quyết các tồn tại về bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn phường Phong Khê, TP Bắc Ninh” số 208/BC-UBND của UBND TP Bắc Ninh, ở phần kiến nghị với Trung ương, với tỉnh, nêu rõ “Tăng kinh phí hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án xử lý các nguồn gây ô nhiễm tại làng nghề, dự án về môi trường”.

Và thật thiếu sót, nếu không nhắc tới kiến nghị chi số tiền hơn 233 tỷ đồng để xử lý khoảng 300.000 tấn chất thải rắn tồn đọng ở làng nghề Mẫn Xá (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Theo đó, ngày 9/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh đã có văn bản 808/STNMT-CCMT, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị thông qua phương án dùng số tiền 233 tỷ đồng để xử lý hơn 300.000 tấn chất thải rắn.

Phương pháp xử lý đề cập trong công văn là chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch sử dụng số chất thải rắn kể trên để sản xuất clinke xi măng. Giá thành vận chuyển, xử lý được tính là 573.460 đồng/tấn. Nhưng tới nay đã 5 tháng trôi qua, chưa hề có động thái nào từ phía Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch, trong khi Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá còn bất động, thì những “núi” xỉ lò nấu nhôm vẫn ngày một cao hơn.

Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, hiện có hơn 300 lò nấu nhôm hoạt động ở làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn xỉ thải. Với đơn giá tạm tính 573.460 đồng/tấn, như Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh đề cập ở trên, thì mỗi ngày địa phương sẽ tốn thêm gần 50 triệu tiền xử lý.

Như vậy, với một tháng 30 ngày, chỉ tính riêng tiền ngân sách mà Bắc Ninh chi ra để xử lý xỉ thải từ những lò tái chế nhôm ở làng nghề Mẫn Xá cũng ngót 1,5 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải bài toán bảo vệ môi trường - Bài 2: Hẩm hiu những dự án xử lý môi trường tiền tỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO