Nan giải bài toán chống ngập

Đoàn Xá 02/10/2017 09:05

Là vấn nạn nan giải ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua, tình trạng ngập úng ở các quận huyện đang tác động tiêu cực đến đời sống của hàng ngàn hộ dân. Mặc dù mấy năm gần đây, hàng chục ngàn tỷ đồng cùng nhiều dự án chống ngập được đồng loạt triển khai nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.

Có máy bơm công suất lớn nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập.

Với đặc điểm ngập nước do mưa lớn và triều cường dâng, hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên, nhiều khu dân cư, tuyến đường lớn ở TP thường chịu ngập nước rất sâu. Có nhiều tuyến đường ở quận 1, quận 2, Bình Thạnh, Nhà Bè, quận 7... mực nước trước và sau khi ngập chênh nhau tới cả mét khiến cho giao thông bị chia cắt, phương tiện ùn ứ và rất bất tiện khi di chuyển.

Như trận mưa diễn ra trong đêm ngày 30-9 vừa qua kéo dài chừng 5 tiếng đồng hồ, nhiều tuyến đường ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè, Phú Nhuận hay cả khu vực chợ Bến Thành cũng xảy ra hiện tượng ngập cục bộ. Theo nhiều người dân, tình trạng xe ngập nước chết máy khi bị mưa lớn, nhất là lúc ban đêm luôn rất bất tiện mà còn gây nguy hiểm cho tính mạng.

Giải thích về hiện tượng này, nhiều chuyên gia hạ tầng cho rằng, do đặc điểm địa hình của TP HCM tồn tại nhiều tuyến kênh rạch, sông ngòi đan xen. Khi mưa thì nước từ các kênh rạch này có xu hướng đổ về tuyến sông Sài Gòn rồi thoát ra biển.

Hiện nay, vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hầu hết các kênh rạch này đều bị lấp để làm đường sá, hệ thống ống cống thay thế thường rất nhỏ, không kịp thoát nước. Thêm nữa, khi mưa nếu gặp triều cường (một tháng vài lần) mà nước từ phía biển đẩy qua sông Sài Gòn vào nội thành thì tình trạng ngập úng sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, theo tìm hiểu, hiện nay TP đang đồng loạt triển khai nhiều dự án chống ngập, với các mục tiêu xử lý từng điểm, từng tuyến đường; như đường Nguyễn Hữu Cảnh qua khu vực quận 1, Bình Thạnh được xây dựng hệ thống máy bơm công suất lớn, hệ thống đường ống khổng lồ để kịp thời đưa nước ra sông Sài Gòn khi xảy ra mưa lớn.

Qua thực tế, sử dụng hệ thống máy bơm này bước đầu có hiệu quả nhưng không thể giải quyết trực tiếp được tình trạng ngập khi mưa mà phải sau khi hết mưa khoảng một giờ đồng hồ, hệ thống máy bơm mới khiến cho khu vực này hết ngập. Song song với đó, hàng chục các điểm ngập khác ở nhiều quận huyện đang trông chờ vào dự án xây dựng cống ngăn triều, đê bao kết hợp với máy bơm công suất lớn ở nhiều tuyến sông do tập đoàn Trung Nam thực hiện với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng.

Dự kiến, khoảng 7 tháng nữa, dự án này sẽ được hoàn thiện. Khi ấy, nhiều điểm ngập phía bờ phải sông Sài Gòn sẽ cơ bản được giải quyết bởi các cống này sẽ ngăn hầu hết lượng nước từ phía biển đổ ngược vào nội đô và còn có thể bơm nước từ phía nội ô qua hệ thống ra sông Sài Gòn.

Song song với trên, hiện nay ở khu vực TP HCM, nhất là các địa phương vùng ven còn tồn tại tình trạng ngập úng trong hẻm với thống kê có tới hàng chục ngàn hẻm bị ngập khi mưa. Mặc dù không gây ảnh hưởng tới giao thông của nhiều người dân nhưng tình trạng ngập úng trong hẻm cũng đang là bài toán nan giải bởi rất khó giải quyết.

Do đặc thù các hẻm được xây dựng thiếu đồng bộ với hệ thống cống, nhất là các hẻm dân cư không nằm trong quy hoạch nên việc thoát nước khó khăn. Ngoài ra, đây là địa bàn quản lý của các quận huyện nên kinh phí hạn hẹp, thường phải kết hợp cả nguồn vốn của chính quyền lẫn cư dân mới có thể giải quyết được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải bài toán chống ngập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO