Nan giải lãng phí nước sạch

Lê Anh 13/02/2017 11:00

Báo cáo của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) thống kê lượng nước sạch thất thoát trong năm 2016 lên đến trên 28%, tương đương với số tiền thất thoát lên đến gần 940 tỷ đồng. Mặc dù vậy, SAWACO chỉ phấn đấu giảm xuống thất thoát còn 26% nước sạch trong năm nay. Tại sao TPHCM phải chịu mất đi số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm như vậy?

Thất thoát nước sạch là vấn đề nan giải tại TPHCM trong nhiều năm qua. Ảnh: Hồng Phúc.

Vẫn thất thoát tới 26%

Theo lý giải từ phía SAWACO, năm 2016 dù đã đáp ứng khoảng hơn 626 triệu m3 nước sạch trong năm qua, nhưng lượng nước có thu tiền và sử dụng cho các hoạt động hữu ích trên địa bàn TP HCM mới chỉ sử dụng khoảng hơn 449 triệu m3, trong khi còn đến 177 triệu m3 còn lại đã bị thất thoát ? Điều này đồng nghĩa với việc, tính trên hóa đơn 5.300 đồng/m3 (giá nước thấp nhất) thì người dân thành phố đã phải gánh trên vai số tiền lên đến gần 940 triệu đồng.

Dù thực trạng thất thoát nước có dấu hiệu rất lãng phí thế nhưng báo cáo với lãnh đạo Thành ủy TP HCM thì SAWACO chỉ đề ra mục tiêu phấn đầu năm 2017 chỉ để thất thoát… 26% nước sạch, tức chỉ giảm được khoảng hơn 2% lượng nước thất thoát.

Chất vấn về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng tỉ lệ thất thoát nước của toàn thành phố lên đến gần 30% là quá cao và việc tính phần nước thất thoát này vào giá nước (người dân phải chi trả) là một điều rất vô lý và không thể chấp nhận được. Từ thực tế như vậy, ông Thăng yêu cầu ngành cấp nước thành phố phải nghiên cứu mọi giải pháp tối ưu để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống chỉ còn dưới 10%.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng ra “tối hậu thư” về thời gian thực hiện chỉ đạo đối với SAWACO là đến năm 2020 phải đạt được tỷ lệ thất thoát nước chỉ còn dưới 10%. Đơn vị này phải có lộ trình, kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trên cơ sở không đẩy cái khó về phía người dân.

Đại diện lãnh đạo SAWACO hứa với lãnh đạo thành phố, sẽ thực hiện việc ứng dụng CNTT qua các dự án đầu tư xây dựng, cũng như rà soát lại tổng thể mạng lưới cấp nước do đơn vị này cung cấp để khắc phục tình trạng gian lận nước, cũng như thất thoát số lượng lớn nước sạch như hiện nay.

Tuy nhiên SAWACO thừa nhận, áp lực về nguồn vốn đầu tư phát triển mạng cấp nước vẫn đang rất lớn, trong khi đơn vị này vẫn phải phân phối nguồn vốn cho nhiều hoạt động, như bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu,…

Khắc phục chậm chạp

Báo Đại Đoàn Kết từng phản ánh, từ 2014 đã cho thấy các nỗ lực của SAWACO nói riêng và các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.HCM vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Mục tiêu của thành phố đã 3 năm qua, là muốn xây dựng thêm hơn 1.100 km đường ống với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng.

Số tiền giải ngân đã ngấp nghé mục tiêu dự kiến, nhưng như báo cáo của năm 2016 thì người dân vẫn phải chịu khoản thất thoát đến gần 30%. Còn nhớ từ năm 2014 thì tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn thành phố là 34%. Sau 3 năm thì tỷ lệ này mới giảm xuống còn 30%, tức bình quân mỗi năm chỉ giảm được hơn 1% tỷ lệ nước sạch thất thoát.

Rõ ràng, với một thành phố có tốc độ phát triển nhanh như TP HCM, với kinh nghiệm rất lớn về quản lý nước sạch thì việc khắc phục lượng nước thất thoát chậm chạp như vậy là lý do mà người dân, dư luận khó chấp nhân.

Cũng không thể đổ hết lỗi do “thiếu vốn”, bởi vì ngân sách thành phố duyệt cho ngành cấp nước thành phố mỗi năm luôn ở con số rất được ưu ái so với các lĩnh vực cấp thiết khác của thành phố. Hiện nay, một số nhà máy nước của TP HCM đã có sự tham gia của tư nhân nhưng thực tế mà nói thì mạng lưới đường ống cấp nước của thành phố hầu như mới chỉ do nhà nước đầu tư là chủ yếu, chưa có nhà đầu tư tư nhân nào tham gia.

Dẫu rằng, năm 2016 sự kiện TP HCM hoàn thành 100% hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch được chọn là một trong 10 sự kiện kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố. Nhưng không thể chỉ nhìn vào thành tích này mà các đơn vị cấp nước thành phố được chủ quan. Người dân đòi hỏi, với chính sách khuyến khích phù hợp của thành phố thì khối tư nhân sẽ được tham gia nhiều hơn trong đấu thầu các dự án nước sạch trong những năm tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải lãng phí nước sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO