Nan giải nhà ở xã hội

T.Hằng 22/11/2017 09:00

Thời gian qua, nhu cầu mua nhà ở xã hội trong người dân vẫn rất cao, tuy nhiên vất vả, chạy đôn chạy đáo họ vẫn không thể sở hữu được một căn nhà để an cư lạc nghiệp. Theo ông Vũ Văn Phấn - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thì trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì khó khăn đầu tiên gặp phải là câu chuyện nguồn vốn, dẫn đến thời gian qua, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ không thể đáp ứng được nhu cầu.

Cần linh hoạt thêm chính sách để tạo đà cho nhà ở xã hội.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu ngân sách giảm so với chi, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội thì không biết đến bao giờ người nghèo mới có nhà. Vì vậy, trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng cách tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Chập chờn hy vọng

Tháng 5/2017, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 630/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2017 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Mức lãi suất được ấn định này thấp hơn mức 5% được áp dụng khi thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây.

Đối tượng được vay vốn ưu đãi không đổi (được quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở). Các đối tượng trên được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn. Nhiều người thu nhập thấp hi vọng rằng, cơ hội vay mua nhà đang rất gần. Thế nhưng đến nay, hơn nửa năm kể từ ngày Quyết định trên được ban hành thì hi vọng của họ còn rất mong manh.

Mới đây, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thông tin thêm: Theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100, Ngân sách Nhà nước sẽ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, việc cho vay chưa thực hiện được do ngân sách thời gian qua khó khăn. Người đứng đầu NHNN cho biết, hiện mới có Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí hơn 1.200 tỷ đồng, song vẫn chưa được giải ngân vốn, 4 ngân hàng còn lại cũng đang chờ.

Tắc vốn

Anh Nguyễn Hoàng Lân, cùng vợ là chị Lan Anh từ huyện Thanh Chương, Nghệ An ra Hà Nội mưu sinh cũng đã được 7 năm. Anh Lân làm khu công nghiệp còn chị Lan Anh ở nhà sửa chữa quần áo. Trong 7 năm chiu chắt vợ chồng anh tích cóp được 400 triệu đồng. Anh mong sẽ vay được vốn ưu đãi từ ngân hàng với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay, hi vọng này của anh vẫn còn… nằm trên giấy.

Tương tự vợ chồng anh Lân, vợ chồng anh Trần Văn Bích (Từ Liêm, Hà Nội) cưới nhau được 3 năm, có con nhỏ nên rất muốn mua nhà. Anh Bích chia sẻ, tôi là bộ đội, vợ làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Qua tìm hiểu tôi thấy mình cũng tương đối đủ điều kiện tham gia, do đó, tôi dự định vay gói ưu đãi mua căn hộ khoảng 800 triệu đồng. Tuy nhiên, gần 2 năm nay chờ đợi mà vẫn chưa biết khi nào mới được vay.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, cá nhân ông cảm thấy tài chính cho nhà ở xã hội đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam, dường như chủ yếu chỉ huy động từ ngân hàng là chính, từ đó khuyến khích ngân hàng cho vay. Ông Nghĩa cho rằng đây không phải giải pháp dài hạn và lâu bền, gây bức xúc cho ngành ngân hàng vì phải chịu nhiều áp lực lãi suất cho người gửi tiền. Có thể thành lập 1 quỹ riêng cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, như kinh nghiệm của Hà Lan.

Ông Vũ Kim Giang, tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Hải Phát đề xuất, cần có cơ chế về tài chính để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được sản phẩm doanh nghiệp làm ra. Người thu nhập thấp thường không có nhiều tiền nên họ phải phụ thuộc vào nguồn vay của ngân hàng. Nếu vay với mức lãi suất thương mại thì nhiều người không thể. Bởi vậy, Nhà nước cần hỗ trợ về lãi suất ưu đãi để họ có thể tự tin tiếp cận với sản phẩm giá rẻ.

Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, cần tạo điều kiện hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại ngân hàng này theo quy định. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội cần chủ động xây dựng phương án huy động vốn theo cơ chế hiện hành và trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung các nguồn khác để đảm bảo có thêm vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO