Nan giải việc làm sau ra trường

Minh Quang 30/01/2018 08:00

Vào thời điểm này, các chương trình tư vấn - hướng nghiệp cho học sinh THPT đã và đang được tổ chức tại các địa phương. Theo PGS.TS Trần Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), năm 2018 thí sinh sẽ có thêm nhiều thông tin tham khảo trước khi chọn ngành nghề đào tạo.

Bộ yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai toàn bộ thông tin về tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cho hay, từ năm 2018 trở đi Bộ sẽ không quyết định điểm sàn vào các trường ĐH nữa mà trao quyền cho từng trường.

Theo đó, riêng về tuyển sinh, các trường muốn tuyển sinh riêng phải đáp ứng được các điều kiện bổ sung. Đặc biệt phải công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần nhất và công khai tỷ suất đầu tư đào tạo từng sinh viên trong năm học…

Sự đầu tư của nhà trường cũng sẽ tương đương với học phí thu. Đó là cơ sở để xã hội giám sát chất lượng và thí sinh lựa chọn được trường phù hợp với ngành học, trình độ năng lực, mức điểm thi của mình… Khi đã cung cấp cho thí sinh, xã hội tất cả điều kiện lựa chọn rồi thì Bộ GD&ĐT có thể không cần thiết phải quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho từng trường và xã hội sẽ có quyền lựa chọn.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục thì tỉ lệ có việc làm của sinh viên cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo. Song tổ chức, cá nhân nào đứng ra kiểm chứng tỉ lệ sinh viên có việc mà các trường công bố trước thềm mỗi mùa tuyển sinh mới là điều đáng quan tâm.

Trong Quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT công bố năm 2017, có đưa ra hai chỉ số bắt buộc phải công khai trong mùa tuyển sinh 2018. Đó là tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm và tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất.

Theo TS Phạm Thị Ly- chuyên gia về giáo dục ĐH, có vài vấn đề cần làm rõ đối với các chỉ số trên. Thứ nhất, chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này? Thứ hai, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng?

Nhiều ý kiến khác cho rằng việc khảo sát bây giờ chỉ cần quan tâm mục đích có việc làm hay không, vì cơ cấu ngành nghề thay đổi nhanh chóng, liên tục. Tất cả kiến thức sau vài năm sẽ lạc hậu nên không nhất thiết phải làm đúng ngành.

Trong khi không phải cho tới bây giờ mà từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện 3 công khai (chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thu chi tài chính). Nhưng xem ra không phải cơ sở đào tạo nào cũng chấp hành.

Có nhiều gợi ý được đưa ra, để tăng tỉ lệ có việc làm cho sinh viên, các trường cần phải biết lắng nghe nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và thực sự năng động trong việc gắn kết với họ. Nhưng như thế cũng chưa đủ mà phải chung tay tìm các giải pháp nâng cao trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam.

Năm 2017, ông Nguyễn Quý Thanh- Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG HN cho biết, kết quả kiểm định chất lượng từ 20 trường thuộc “tốp trên” của Việt Nam trong năm 2016 cho thấy, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chỉ chiếm 1%. Nguyên nhân bởi sinh viên thiếu thực tiễn, yếu về ngoại ngữ, tin học, một số kỹ năng mềm, đặc biệt là thái độ nghề nghiệp. Do đó tỉ lệ có việc làm sau ra trường của các bạn trẻ không cao.

Xét sâu xa hơn, việc thí sinh loay hoay với đăng ký nguyện vọng đầu vào, chông chênh hướng lập nghiệp cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới việc kiếm việc làm sau ra trường. Đơn cử như năm 2017 có một thí sinh đăng ký tới… 48 nguyện vọng vào các trường ĐH, thì đó là sự lãng phí không nhỏ.

Đây cũng là câu chuyện nan giải trong công tác hướng nghiệp, khiến kỳ thi cận kề mà nhiều bạn trẻ vẫn loay hoay không biết mình sẽ học gì, làm việc gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải việc làm sau ra trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO