Nan giải xử lý doanh nghiệp trốn nợ thuế

Thúy Hằng 13/08/2019 07:40

Thông tin doanh nghiệp (DN) nợ thuế được đăng trên cổng thông tin điện tử tại các Cục Hải quan là khá dài. Điều này cho thấy việc bịt lỗ hổng nợ thuế không hề đơn giản.

Nan giải xử lý doanh nghiệp trốn nợ thuế

Hải quan Quảng Ninh kiểm tra dữ liệu hàng hoá.

Nợ thuế rồi bỏ trốn

Cục Hải quan Bình Dương thống kế ra danh sách DN nợ thuế khá cụ thể. Chẳng hạn như Công ty TNHH GP Sofa componetis nợ 3,9 tỷ đồng. Phía Cục Hải quan Bình Dương cũng đã gửi giấy thông báo nợ thuế cho Công ty, có buổi làm việc, ra quyết định ấn định thuế. Song quan trọng khi xác minh tài khoản ngân hàng thì không còn nữa.

Vì thế, Cục Hải quan Bình Dương dự kiến sẽ đưa ra giải pháp, cưỡng chế thuế bằng biện pháp kê biên, bán đấu giá tài sản.

Hay Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, Công ty TNHH Silver Star Việt Nam (quận Bình Tân), nợ hơn 47 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Công ty này được cấp phép năm 2008, ngừng hoạt động từ năm 2011 nhưng chưa làm thủ tục đóng mã số thuế…

Trong khi đó, theo một số báo cáo từ các Cục Hải quan khác, DN nợ thuế khá nhiều. Cụ thể tại Cục Hải quan Hải Phòng, Công ty CP Thương mại đầu tư và xuất nhập khẩu Nam Cường (quận Hải An, Hải Phòng) nợ gần 30 tỷ đồng. Công ty CP IDC (quận Lê Chân, Hải Phòng) nợ 20 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Kim (TP Móng Cái, Quảng Ninh) nợ 16,8 tỷ đồng...

Còn tại Cục Hải quan Lào Cai có đến 47 DN nợ thuế. Trong đó Công ty TNHH Phúc Thăng Long nợ thuế hơn 2 tỷ đồng, Công ty cổ phần phát triển thương mại Hà Thành nợ thuế hơn 171 triệu đồng. Tại Cục Hải quan Quảng Ninh, hết tháng 6/2019, còn 70 DN nợ thuế quá hạn cưỡng chế, với tổng số nợ hơn 113 tỷ đồng.

Năm 2019, Tổng cục Hải quan phấn đấu thu NSNN đạt 315.500 tỷ đồng (vượt 5% so với chỉ tiêu dự toán thu NSNN được giao (300.500 tỷ đồng). Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của ngành, Tổng cục Hải quan đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó việc thu hồi, xử lý nợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc phải trú trọng thực hiện trong năm.

Tăng cường biện pháp xử lý

Cũng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã tiến hành 153 cuộc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu truy thu, xử phạt với số tiền 148,82 tỷ đồng. Trong đó số thuế truy thu là 130,59 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 18,23 tỷ đồng và đôn đốc thu nộp NSNN 78,68 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, đối với các khoản nợ thuế tồn đọng từ các năm trước (trước 1/7/2013) khó có khả năng thu đòi, do nhiều DN đã ngưng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, chủ bỏ trốn.

Bên cạnh đó việc khó thu hồi nợ thuế cũng do nhiều trường hợp DN bán hàng không xuất hóa đơn nên không thể thực hiện được biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Do đó, cơ quan chức năng không thể thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế khi lập hồ sơ xóa nợ theo quy định.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu; thu thuế xuất nhập khẩu; cải cách thủ tục hành chính… Đặc biệt tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại các đơn vị; phân loại các nhóm nợ và mỗi nhóm có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng DN... để có biện pháp xử lý nợ.

*Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã tiến hành 153 cuộc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu truy thu, xử phạt với số tiền 148,82 tỷ đồng. Trong đó số thuế truy thu là 130,59 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 18,23 tỷ đồng và đôn đốc thu nộp NSNN 78,68 tỷ đồng. Năm 2019, Tổng cục Hải quan phấn đấu thu NSNN đạt 315.500 tỷ đồng (vượt 5% so với chỉ tiêu dự toán thu NSNN được giao (300.500 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải xử lý doanh nghiệp trốn nợ thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO