Nạn khai thác vàng trái phép vẫn lộng hành. Bài 3: Khẩn cấp lập lại trật tự

Tấn Thành-Chí Đại 26/03/2022 06:48

Nạn khai thác vàng trái phép ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu và dọc theo sông Bồng Miêu, sông Quế Phương đã đưa đến nhiều hệ lụy về môi trường, tai nạn lao động rình rập và mất an ninh trật tự. Nhưng vì sao vấn nạn này không dẹp bỏ được?

Con đường đi vào bãi vàng đầy hiểm nguy.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, tình trạng khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Bồng Miêu diễn ra đã lâu nhưng khó dẹp triệt để, nguyên nhân do địa phận mỏ rộng lớn, tiếp giáp với nhiều huyện miền núi, địa hình đi lại hết sức khó khăn, trong khi đó lực lượng chức năng xử lý vấn đề này quá mỏng, như Công an xã chỉ có 5 cán bộ, chiến sĩ.

“Hiện tại toàn xã có hơn 6.000 hộ dân, tuy nhiên có đến 30% hộ dân không có công ăn việc làm ổn định và thiếu đất canh tác. Chính vì vậy, một số người dân đã lén lút đi khai thác vàng trái phép, người dân ở những địa phương khác cùng tìm đến đây khai thác. Thật sự mà nói khó chấm dứt triệt để vấn nạn này”- ông Vinh nói.

Trung tá Cao Văn Lĩnh - Trưởng Công an xã Tam Lãnh cho biết, thời gian qua, lãnh đạo huyện Phú Ninh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã liên tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu. Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã thực thi nhiệm vụ truy quét, đẩy đuổi tình trạng khai thác vàng trái phép. Như từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an xã đã tổ chức 5 đợt truy quét, qua đó đã phá hủy 16 lán trại, 12 máy nổ phục vụ làm vàng, 26 hồ ngâm ủ quặng, khoảng 700m2 bạt, 1.400m dây nước...

Số liệu trên đã cho thấy sự bất ổn ở mỏ vàng Bồng Miêu. Tình trạng bát nháo của việc khai thác vàng trái phép và ô nhiễm sông Bồng Miêu, sông Quế Phương rất nhiều lần người dân phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Tình hình ô nhiễm các dòng sông còn nóng trong các cuộc họp HĐND tỉnh. Hay như trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào ngày 9/11/2021, về tình hình kinh tế - xã hội 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị về việc khẩn trương hoàn tất thủ tục đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần đi thị sát khu vực mỏ vàng Bồng Miêu và yêu cầu lập lại trật tự ở đây. Thế nhưng mỏ vàng chưa đóng cửa thì tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra ngày càng nóng. Như tháng 5/2021, tại khu vực Đồi Sim thuộc bãi vàng Bồng Miêu, sạt lở đá làm chết 1 phu vàng. Trước đó tại núi Sũng Mùn của xã Tam Lãnh sạt lở núi cũng đã làm chết 6 người dân địa phương đi mót vàng.

Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cũng cho biết, đã kiến nghị với UBND huyện Phú Ninh xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề hoặc cho người dân vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, vì đa số người dân ở đây không có nghề nghiệp ổn định, ruộng đất lại rất ít.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức lực lượng đồng loạt kiểm tra, xử lý, kiên quyết đấu tranh, xử lý các băng nhóm, đối tượng cầm đầu, bảo kê hoạt động khai thác vàng trái phép, thì mới có thể lập lại trật tự bền vững. Cùng đó, cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nếu có hành vi dung túng, bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Một điều quan trọng nữa là cần có đơn vị khai thác hợp pháp để dễ quản lý công tác trật tự an ninh và nhiều vấn đề liên quan.

Thế nhưng muốn có chủ mới thì mỏ vàng Bồng Miêu phải đóng cửa, trong khi đó từ tháng 3/2016, khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu hết thời gian giấy phép khai thác vàng tại đây thì mỏ vàng này vẫn chưa được đóng cửa. Cũng chính vì vậy mà tình trạng khai thác vàng trái phép bùng phát ở nơi đây.

Thông tin mới nhất từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có Quyết định số 488/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu. Theo quyết định này, việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn hoạt động khai thác vàng trái phép; giữ gìn an ninh trật tự khu vực, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, xử lý các khu vực đã bị ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, đảm bảo an toàn về môi trường. San gạt, cải tạo mặt bằng các khu vực khai trường khai thác lộ thiên, bịt kín các cửa hầm lò trong khu vực, san gạt khu vực bãi thải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn;...

Bộ TNMT cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan tổ chức đấu thầu chọn đơn vị thi công thực hiện Đề án theo các nội dung được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát đơn vị thi công đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, pháp luật liên quan; tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Rõ ràng việc đóng cửa mỏ là cần thiết, để càng lâu nạn khai thác vàng trái phép càng bùng phát với những hậu quả khó lường. Đề án đóng cửa mỏ chờ đợi bao nhiêu năm đã được phê duyệt nhưng chờ đến khi nào thì mới được triển khai?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nạn khai thác vàng trái phép vẫn lộng hành. Bài 3: Khẩn cấp lập lại trật tự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO