Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND: Cách nào?

H.Vũ 05/02/2016 09:25

Làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra và giám sát của HĐND các cấp để HĐND có thực quyền chứ không phải chỉ là hình thức? Vấn đề được đặt ra trong cuộc tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của HĐND, UBND được tổ chức mới đây.

Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, giám sát của HĐND là xem xét tình hình chấp hành pháp luật, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND của đối tượng giám sát, nhằm đánh giá tình hình và kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND, phát hiện những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những hạn chế, vướng mắc hay các vi phạm trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật để quyết định những chủ trương và biện pháp đúng, bổ sung, hoàn thiện các nghị quyết, các quy định pháp luật. Giám sát của HĐND là loại hoạt động có kế hoạch, được báo trước và đảm bảo tính công khai minh bạch.

Theo ông Hoạt, việc công khai các kết luận giám sát cũng là một yêu cầu và là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của giám sát, buộc cả chủ thể giám sát lẫn đối tượng giám sát đều phải có trách nhiệm với những kết luận giám sát đã đưa ra.

Cũng theo ông Hoạt, sau khi ra kết luận giám sát, gửi kết luận giám sát đến đối tượng giám sát và các cơ quan có liên quan, thì cần theo dõi thực hiện các kết luận giám sát, quan tâm tái giám sát những vấn đề chậm chuyển biến và thực hiện giám sát đến cùng. Bởi hiện nay hoạt động này mới dừng lại ở việc ra kết luận giám sát mà chưa chú ý nhiều đến việc theo dõi các kết luận giám sát đó được thực hiện như thế nào.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Quyết Tâm thì cho rằng, cần giữ vững mối liên hệ với cử tri, tăng cường công tác nắm tình hình thực tế, đồng thời phát huy vai trò tích cực, chủ động của Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu. Theo bà Tâm, người đại biểu nói chung, Thường trực và các Ban HĐND nói riêng phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để xứng đáng với sự tin tưởng mà cử tri đã trao.

Theo nhận định của ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lâu nay hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, không phải do đại biểu mà do chúng ta chưa trao cho HĐND những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình.

Từ đó ông Vinh cho rằng những kết luận, nghị quyết về giám sát của HĐND là bắt buộc thực hiện đối với UBND, các cơ quan thuộc UBND, chính quyền cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn địa phương. Trường hợp không thực hiện, phải xác định rõ các cơ quan chịu trách nhiệm, cá nhân chịu trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của HĐND. Như thế giám sát của HĐND mới có hiệu quả và thiết thực.

HĐND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, phải đảm bảo cơ cấu tổ chức và chất lượng đại biểu HĐND, tăng đại biểu chuyên trách của các Ban. Các thành viên của các Ban phải nắm vững các chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước để vận dụng linh hoạt vào quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó cần sâu sát thực tế, gần gũi, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân để đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực, từng bước góp phần nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra.

Từ thực tế hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua, theo ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), cần phải xem xét lại việc xác định các chức danh của hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và cho rằng: “Ngoài việc quy định phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, thì cần quy định trưởng các ban của hội đồng nhân dân tỉnh, huyện cũng là đại biểu hoạt động chuyên trách, để đảm bảo cho đại biểu dành toàn bộ thời gian thật sự gắn bó, đề cao trách nhiệm hoạt động và nhất là đảm bảo sự hoạt động khách quan trong thẩm tra, giám sát”-ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND: Cách nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO