Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

THÀNH LUÂN - HỮU VINH - TAM NGUYÊN 12/05/2022 12:29

Thực tế ở một số địa phương còn thực trạng bố trí cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội còn mỏng. Do phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi dẫn đến chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Ngày 12/5, tại TP HCM, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Hội thảo do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM.

Chủ trì hội thảo, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đã gợi ý một số nội dung đại biểu thảo luận về công tác giám sát, phản biện xã hội. Ảnh: Tam Nguyên.

Tại hội thảo, đại diện nhiều chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, nhân sĩ, trí thức và đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam của 22 tỉnh thành khu vực phía Nam đã trình bày tham luận, chia sẻ trực tiếp nhiều vấn đề làm được và chưa làm được trong công tác giám sát, phản biện xã hội trong 8 năm qua, kể từ khi ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị khóa XI đến nay.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu chủ trì phiên thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Tam Nguyên.

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã đánh giá về những chuyển biến tích cực của công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian qua. Nhất là, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội so với giai đoạn trước năm 2014. Bên cạnh đó, MTTQ các địa phương đã có nhiều cố gắng trong lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp cách tiến hành giám sát, phản biện xã hội như hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, trong đó đã xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc.

Giai đoạn 2014-2020 UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai được 13 chương trình giám sát, nhiều nội dung giám sát có tác dụng tích cực để thực hiện các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước.

Dù vậy, cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thực tế ở một số địa phương còn thực trạng bố trí cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội còn mỏng. Do phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi dẫn đến chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Trong tổ chức thực hiện của Mặt trận, ông Nguyễn Hữu Dũng cũng chỉ ra việc các tổ chức chính trị cũng còn nhiều hạn chế, còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội; nhiều nơi còn thụ động trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy và đề xuất của các cơ quan nhà nước...

Chia sẻ về thực tế công tác giám sát, phản biện xã hội của TP HCM tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, thông qua việc Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM quan tâm ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các chỉ đạo của trung ương về công tác giám sát, phản biện xã hội, đã giúp nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tam Nguyên.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lệ, TP HCM đã ban hành riêng một Chỉ thị 19-CT/TU ngày 23/10/2013 về tiếp tục thực hiện Quy chế "MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư".

Sau đó, thành phố đã ban hành quyết định số 935-QĐ/TU ngày 28/4/2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, thành phố cũng ban hành được quyết định số 936-QĐ/TU quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Qua thực tiễn triển khai, TP HCM cũng xây dựng được quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Đáng chú ý, tại Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI đã thông qua được đề án về "Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam thành phố và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2021-2030". Mới đây nhất, Thành ủy TP HCM ban hành chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 về lãnh đạo thực hiện đề án kể trên.

"Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống MTTQ từ thành phố đến cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh", bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu góp ý tại Hội thảo. Ảnh: Tam Nguyên.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nên có quy chế mẫu về giám sát và phản biện xã hội để tạo thuận lợi cho MTTQ các cấp áp dụng luận lợi, trong đó có nêu luôn về công tác phối hợp giữa chính quyền và MTTQ trong công tác này.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, để công tác giám sát, phản biện đi vào thực chất hơn nữa, cấp ủy phải có vai trò cụ thể là lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về công việc này thì hiệu quả mới được nâng cao. Đối với trách nhiệm của Đảng, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý, nghị quyết trong công tác Đảng hàng năm nên có phần Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát, phản biện. Từ đó, triển khai xuống chính quyền và MTTQ các cấp mới đạt được sự thống nhất triển khai thuận lợi.

Đối với trách nhiệm của chính quyền cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với MTTQ, đồng thời cần có cơ chế để MTTQ cấp trên được quyền giám sát cấp ủy, chính quyền cấp dưới. Qua kết quả giám sát, chính quyền tiếp tục phối hợp và tiếp thu các ý kiến giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ với đại biểu MTTQ địa phương đến tham dự hội thảo vào sáng 12/5. Ảnh: Tam Nguyên.

Cũng tâm tư về sự xuyên suốt, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, làm sao trong giai đoạn tiếp theo Đảng quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, để tiếp tục quán triệt vai trò, vị trí của MTTQ nói chung và hoạt động giám sát, phản biện nói riêng.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM chia sẻ, để công tác giám sát, phản biện thật sự trở thành sức mạnh, nguồn lực góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và cũng phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì cần tiếp tục đổi mới hơn nữa.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tam Nguyên.

Cụ thể, đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, trong đó có điều 2, điều 4, điều 9 liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân; lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam. Trong đó, luật sư Trương Thị Hòa đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc cần cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp kể trên để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam nói chung và công tác giám sát, phản biện xã hội nói riêng.

Cũng theo Luật sư Trương Thị Hòa, công tác phối hợp là đặc biệt quan trọng, bởi vì khi giám sát, phản biện của MTTQ được phối hợp với chính quyền sẽ giải quyết triệt để được các bất cập, hạn chế trong công tác của chính quyền. Đồng thời, Đảng cũng lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp trong công tác này để nâng cao hiệu quả của giám sát và phản biện xã hội.

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM thẳng thắn chỉ ra thực trạng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của hệ thống MTTQ các cấp tại TP HCM trong thực tế nhìn chung vẫn chưa thực sự bài bản, nề nếp, chưa thể hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tam Nguyên.

Theo ông Hiệp, thực tế vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp; một số nơi tổ chức nhiều đoàn giám sát trong năm, có trùng lắp nội dung với các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền khác dẫn đến quá tải cho đối tượng được giám sát.

Từ đó, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP HCM góp ý, thời gian tới cần cụ thể hóa công tác lãnh đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền bằng nghị quyết của cấp ủy.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp TP HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền tạo điều kiện cho MTTQ và nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương. Thành phố cũng ban hành cơ chế, bảo đảm nguồn lực cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo. (ảnh: Tam Nguyên)

Chủ trì và phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá, qua thảo luận cho thấy công tác giám sát và phản biện xã hội là hết sức quan trọng và nhờ đó là chỗ dựa vững chắc của Đảng cũng như hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước cũng sẽ tăng lên; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng được bảo đảm tốt hơn; phát huy cao nhất khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngoài ra, các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đã giúp đánh giá về cơ bản kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả để đề ra các biện pháp nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả cao hơn.

Đúc kết từ ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đã thống nhất cao về các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng dự kiến một số nội dung dự thảo đề án trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ nhất, nhiều ý kiến đồng tình đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội thông qua một số đề nghị cụ thể sẽ được UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu, bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo.

Thứ hai, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của nhân dân.

Từ đó, xây dựng, bổ sung các quy định cụ thể các vấn đề, nội dung cần thiết phải có giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết và có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội và người dân quan tâm; quy định cụ thể về thời gian gửi hồ sơ, tài liệu đến chủ thể phản biện.

Ngoài ra, chủ trì hội thảo cũng tiếp thu đề xuất về cơ chế tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị sau giám sát, báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo Nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch…

Thứ ba, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp phát huy hơn nữa vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, trong đó cần chủ động hơn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm.

Kế đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quyền giám sát và phản biện xã hội trong nội bộ và Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế chủ trì, phối hợp giữa các chủ thể trong tổ chức thực hiện.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong giám sát, nhất là hoạt động của chính quyền ở cơ sở, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tăng cường việc thông tin công khai kết quả giám sát, phản biện để nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp cần chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Thứ năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra và bồi dưỡng chuyên môn về công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ các cấp, tập trung vào hướng dẫn lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xã hội phải là những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân; quy trình, thủ tục giám sát, phản biện XH…

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Lê Tiến Châu khắng định, các ý kiến tại hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng để UBTƯ MTTQ Việt Nam tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO