Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa

Tuệ Phương 12/11/2017 06:30

Hà Nội đang thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một trong những yếu tố để đánh giá hiệu quả cuộc vận động chính là mức độ cải thiện của đời sống văn hóa. Bởi vậy thành phố đang nỗ lực tìm các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa ở thôn, làng hoặc tổ dân phố. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động của các mô hình này còn bất cập.


Hoạt động văn hóa tinh thần của người dân cần được chú trọng.


Đi tìm một mô hình hiệu quả
Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 2.094 thôn trong tổng số 2.539 thôn ở ngoại thành có nhà văn hóa. Tỷ lệ ở khu vực nông thôn nhìn chung khá cao so với cả nước. Tuy nhiên, ở khu vực nội thành, số lượng nhà văn hóa còn rất hạn chế. Thành phố mới có 1.491 tổ dân phố có nhà văn hóa, trong tổng số 5.412 tổ dân phố. Song, vấn đề nằm ở phương thức hoạt động của các nhà văn hóa.

Nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết: Thực tế việc xây dựng, tổ chức hoạt động của hệ thống nhà văn hóa phường, quận, thôn, xã, huyện còn bộc lộ những hạn chế, chưa hiệu quả, nội dung không phong phú, không khai thác hết chức năng của công trình. Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho xây dựng, mua sắm trang thiết bị không đồng bộ, dẫn đến tình trạng công trình xây mới, nhưng không có tiền sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động.

Chính vì lý do này, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực tìm kiếm mô hình hoạt động hiệu quả. Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thực hiện Ðề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội” tại thôn Ðoài, xã Nam Hồng. Với diện tích hơn 300 m2, nhiều trang, thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, hội họp..., nhà văn hóa thôn Ðoài, xã Nam Hồng, huyện Ðông Anh là một trong những nhà văn hóa đẹp và đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kể từ khi được xây dựng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhà văn hóa vẫn chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp hành, thi thoảng mới có các buổi biểu diễn văn nghệ, chủ yếu vào các dịp kỷ niệm hay khi có hội nghị... Nhưng khi triển khai đề án, hoạt động của nhà văn hóa đã có nhiều thay đổi. Từ sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia, Hội Cựu chiến binh thôn Ðoài đã thành lập Câu lạc bộ Di sản và ký ức; các tổ chức xã hội khác cũng thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật truyền dạy nghệ thuật hội họa cho thiếu niên và dạy làm hoa cho người lớn tuổi, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian, Câu lạc bộ khiêu vũ... Tính ra, các câu lạc bộ đã thu hút hàng trăm hội viên tham gia.

Vẫn những con người ấy, vẫn cơ sở vật chất ấy, nhưng hoạt động của nhà văn hóa thôn Ðoài đã thay đổi. Một thí dụ có thể kể đến là hoạt động của Câu lạc bộ Di sản và ký ức. Cách đây chưa lâu Câu lạc bộ này đã động viên ba cựu chiến binh kể về những trận đánh, những chuyến quy tập hài cốt liệt sĩ mà họ từng trải qua. Buổi nói chuyện khiến lớp trẻ hiểu thêm về những hy sinh, mất mát to lớn mà những người lính đã trải qua trong chiến tranh. Ông Nguyễn Văn Ðể, trưởng thôn Ðoài cho biết, trước đây nhà văn hóa thôn Ðoài cũng duy trì một số hoạt động nhưng từ ngày có sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu văn hóa, các hoạt động sôi nổi hẳn và trở thành hoạt động thường xuyên.

Nhân rộng mô hình
Mặc dù đã tìm được mô hình hoạt động hiệu quả, nhưng việc nhân rộng mô hình tương tự như nhà văn hóa thôn Đoài còn gặp không ít khó khăn. Theo khảo sát Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới công bố, có đến 34% số nhà văn hóa tổ dân phố tổ chức hoạt động mỗi tháng một lần. Ngoài ra, ở khu vực nội thành, việc xây dựng thêm các nhà văn hóa là hết sức khó khăn, do quỹ đất hạn hẹp. Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở”. Ðề án được triển khai từ nay đến năm 2020. Trong đó, lần đầu tiên, hai vấn đề được nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng là nhân lực và nội dung hoạt động. Tại những địa bàn còn “trắng” nhà văn hóa, thành phố sẽ cố gắng xây dựng những nhà văn hóa đạt chuẩn, có không gian như một hội trường đa năng; có thể có thêm những phòng nhỏ để thỏa mãn các chức năng hoạt động khác nhau cho các nhóm sở thích hay câu lạc bộ khác nhau.

Về tổ chức hoạt động, trong tương lai gần, sẽ lập chức danh chủ nhiệm nhà văn hóa và nghiên cứu xây dựng chế độ cho phù hợp. Về nhân lực, có thể tận dụng nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Thành phố cũng chú trọng đội ngũ cán bộ hưu trí về hưu tại địa phương, nhất là cán bộ có trình độ và có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Song, vấn đề nan giải nhất vẫn chính là kinh phí vận hành. Hiện chỉ có vài địa phương, thí dụ như huyện Đan Phượng có kinh phí hỗ trợ mỗi năm từ 4-5 triệu/nhà văn hóa. Phần lớn các nhà văn hóa vẫn tự thân vận động. Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đánh giá: “Để tổ chức các hoạt động, vận hành nhà văn hóa không thể chỉ trông chờ vào nguồn xã hội hóa tại chỗ, mà cần tính đến các biện pháp tạo nguồn kinh phí vĩ mô hơn. Mỗi người dân hãy phát huy sức sáng tạo của mình để tổ chức các hoạt động sao cho đơn giản, gần gũi, dễ thực hiện, ít tốn kém. Chẳng hạn, người dân thôn Đoài, xã Nam Hồng, Đông Anh chọn cách làm hoa giấy thay vì hoa lụa giảm được chi phí nguyên liệu. Hộp pa nô trưng bày các câu chuyện kể tại nhà văn hóa được làm bằng chất liệu có độ bền cao, có thể tái sử dụng”.

Một vấn đề khác đặt ra là hiện một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của những nhà văn hóa. Nhà văn hóa số 1 Đại Từ, quận Hoàng Mai chuẩn bị “xẻ thịt” để cho thuê vào mục đích cá nhân như: Phòng tập gym, bãi đỗ xe, mặt bằng quán nước. Quận Cầu Giấy, cũng có hàng loạt nhà văn hóa dùng làm quán cà phê, bãi trông xe ngày, đêm như: Quán cà phê New Wind (số 96 Chùa Hà, phường Dịch Vọng) “bành trướng” trong khuôn viên nhà văn hóa phường Dịch Vọng... Song, đây cũng là một gợi ý về hoạt động của nhà văn hóa. Đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở” và Quy chế hoạt động của nhà văn hóa đề xuất Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa được phép cho thuê các dịch vụ văn hóa để tạo nguồn kinh phí. Mặc dù còn một số vướng mắc, nhưng nếu được thông qua, đây được xem là bước đột phá trong tư duy, để góp phần cải thiện công năng của nhà văn hóa trên địa bàn Thủ đô, góp phần thiết thực thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO