Năng suất lao động: Không nhanh sẽ tụt hậu

H.Hương 03/05/2021 06:39

Năng suất lao động của Việt Nam có cải thiện, nhưng tốc độ còn chậm so với yêu cầu. Nếu không có giải pháp đột phá, đồng bộ, sẽ khó đuổi kịp năng suất lao động tại một số nước trong khu vực, chưa nói đến các nước phát triển.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

Mặc dù có mức tăng trưởng NSLĐ cao, nhưng Việt Nam vẫn chưa theo kịp để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, theo ước tính của ILO, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, NSLĐ Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, dù đã nỗ lực cải tạo NSLĐ nhưng chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước. Đáng ngại, khi NSLĐ chưa cao, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu.

Còn theo Báo cáo Năng suất Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) và Viện Chính sách quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng thật sự nhanh về năng suất - yếu tố quan trọng của một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) đánh giá, năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà lại “kẹt” lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay. Không có sự tăng trưởng vượt bậc. Cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất lao động của khu vực tư nhân vẫn đều đặn.

Lý giải thêm về vấn đề này, vẫn theo PGS Thành, trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc...). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...).

Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp. Nếu tiền lương tiếp tục tăng, FDI sẽ không nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam - một tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình.

Cùng với đó, thu hút FDI không tự động củng cố các doanh nghiệp trong nước hoặc kích hoạt sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước chủ nhà trước tiên phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết.

“Điều này có nghĩa chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là họ lựa chọn việc sử dụng lao động giá rẻ, cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp”, PGS Thành nhấn mạnh đồng thời cho rằng cần có một “phong trào tăng trưởng năng suất”.

Giới chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về trung hạn sẽ dẫn đến tình trạng giảm sút nhu cầu nhân lực trong các ngành đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng cao, đặc biệt trong các ngành về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, công nghệ mới, chăm sóc con người, nghệ thuật…

Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống giáo dục đào tạo phải thích ứng để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp và năng lực thích ứng cao với biến đổi của khoa học công nghệ, hướng vào các ngành đòi hỏi tính sáng tạo cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng suất lao động: Không nhanh sẽ tụt hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO