Nhìn tổng thể, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2008-2017, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với Singapore tăng 0,9%/năm; Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philippines (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm). Nhưng cụ thể thì NSLĐ của chúng ta vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Cần có giải pháp thiết thực để nâng cao năng suất lao động.
Đó là điều đáng lo ngại trong quá trình tăng tốc phát triển nền kinh tế của đất nước cũng như cũng như sức ép cạnh tranh trong quá trình hội nhập ngày một lớn.
Vấn đề đặt ra là: Vì sao NSLĐ của chúng ta thấp? Và làm gì để cải thiện?
Về nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của chúng ta thấp, theo ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là từ xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... Đây cũng chính là những nút thắt cần sớm được tháo gỡ để tăng NSLĐ. Vẫn theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế nước ta theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017. Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm. Như vậy là mức cải thiện NSLĐ không thấp nhưng thực tế lợi nhuận đem lại từ mức tăng NSLĐ lại vẫn rất thấp.
Với chúng ta, trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau cũng có sự khác nhau khá rõ về NSLĐ. Với lĩnh vực nông nghiệp, số lao động nhiều nhưng NSLĐ thấp. Con số thống kê 6 tháng đầu năm nay cho thấy, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước là 54,3 triệu người, trong đó, lao động làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chiếm 35,3% tổng số lao động trong toàn nền kinh tế. NSLĐ ở lĩnh vực này chỉ bằng 38,9% mức NSLĐ chung của nền kinh tế; bằng 30,4% khu vực công nghiệp; bằng 33,7% các ngành dịch vụ. Điều đó cũng có nghĩa là kéo giảm NSLĐ chung của cả nền kinh tế. Trong khi lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế, như tài chính, ngân hàng, du lịch…, có NSLĐ cao mới chỉ chiếm 35,8% và chỉ tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.
Những con số so sánh trên phần nào cho thấy sự chuyển dịch của nền kinh tế diễn ra chậm. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn vẫn còn cao và NSLĐ ở khu vực này là khá thấp. Tại khu vực này, đa số lao động làm các công việc giản đơn, có tính thời vụ nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất thấp, kéo toàn bộ NSLĐ của toàn nền kinh tế xuống.
Vậy, nếu gia tăng tốc độ chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn sang thành thị có làm tăng NSLĐ? Câu trả lời là có nhưng không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong khi thời gian không chờ đợi ai cả. Vì thế, theo giới chuyên gia, để NSLĐ chung của toàn nền kinh tế tăng nhanh thì cần phải nâng cao NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp, không chờ đợi qua việc chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tới đây, một vấn đề nữa lại đặt ra, đó là trong khi quy mô doanh nghiệp ở ta nhỏ, đầu tư cho công nghệ ít, trình độ tổ chức, quản lý hạn chế, ít lao động tay nghề cao… thì liệu có nhanh chóng nâng được NSLĐ lên không. Đây chính là nút thắt quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng NSLĐ. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động trong khối doanh nghiệp hiện vẫn ở mức thấp, trong khi ai cũng hiểu rằng lẽ giản đơn nhất thì tiền lương là giá cả của sức lao động, tiền lương liên quan trực tiếp tới NSLĐ. Ở đây, xuất hiện câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, vì bên trả lương nói rằng anh hãy làm việc tốt đi, năng suất cao thì sẽ được lương thưởng cao. Trong khi đó người lao động lại bảo lương thấp không đủ sống, hãy trả lương cao lên thì sẽ làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn. Đây chính là mối quan hệ, sự tác động qua lại giữa tiền lương, thu nhập và NSLĐ.
Hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương được Việt Nam ký kết thời gian qua, cũng như làn sóng, sức cuốn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nhanh chóng tăng được NSLĐ để thu hẹp khoảng cách với các nước. Nhưng mặt khác, nó cũng đưa đến nguy cơ dễ bị bỏ lại xa hơn so với các quốc gia khác nếu không có giải pháp hiệu quả. Thực tế cho thấy, tuy rằng NSLĐ của chúng ta đã được cải thiện nhưng giá trị vật chất làm ra vẫn bị tụt lại so với nhiều nước, cụ thể là với các nước trong khu vực. Trong cuộc “rượt đuổi” này, nếu không xác định rõ ràng là tăng NSLĐ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên, trước mắt… thì sự tụt hậu sẽ vẫn còn dai dẳng.
Tất nhiên, không phải mặc nhiên chấp nhận NSLĐ ở khu vực này thấp, chỉ nhằm đẩy mạnh NSLĐ ở khu vực khác dễ làm hơn; mà phải có giải pháp thúc đẩy NSLĐ ở tất cả các lĩnh vực, tuy rằng xác định trọng tâm thúc đẩy là điều rất quan trọng. Điều đó sẽ tạo ra lực đẩy, đầu kéo cho NSLĐ của toàn nền kinh tế đi lên.