Nâng tầm nông sản để vào châu Âu

Lam Hồng 28/12/2020 08:00

Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), việc được hưởng các ưu đãi về thuế quan có thể mang lại những thuận lợi cho các sản phẩm nông lương của Việt Nam ở thị trường EU.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía EU, các sản phẩm của Việt Nam ở thị trường này còn khá khiêm tốn mà nguyên nhân chủ yếu là chưa đáp ứng được quy chuẩn nhập khẩu.

Cần chuẩn hóa các mặt hàng nông sản để tận dụng ưu đãi EVFTA.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, dù dân số Thụy Điển không nhiều nhưng lượng tiêu dùng thực phẩm châu Á khá lớn, chủ yếu là hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khi đó, hàng hóa của các nước châu Á khác, bao gồm cả hàng Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn.

Còn theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg, trong xu hướng nhập khẩu nông sản của thị trường EU, giai đoạn 2018-2019, nhập khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ nhìn chung ổn định, riêng sản lượng ngũ cốc hữu cơ lại giảm trong năm 2019. Ngược lại, lượng nhập khẩu các loại trái cây nhiệt đới, bánh dầu, đậu nành và đường cát gia tăng.

Mới đây, thông tin tại hội thảo trực tuyến về các tiêu chuẩn sản xuất EU, cho thấy trong khi việc xuất khẩu ở phân khúc sản phẩm nông lương của Việt Nam vào thị trường EU còn khiêm tốn so với tiềm năng, thì năm 2019, EU đã xuất hơn 1,1 tỷ sản phẩm nông lương vào Việt Nam, với tổng giá trị 2,2 tỷ Euro.

Việt Nam trở thành điểm đến thứ 29 đối với các nhà sản xuất nông lương EU trên toàn thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu nông lương hàng đầu của EU vào Việt Nam gồm thịt tươi sống và thịt đông lạnh, sữa bột và sữa nước, thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh, ngũ cốc và bột, rượu vang và rượu mạnh. Ở chiều ngược lại, trà và cà phê là 2 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong phân khúc sản phẩm nông lương của Việt Nam vào EU, chiếm 47%; các quả dạng hạt cứng, gia vị và trái cây chiếm 34%.

Giới chuyên gia EU nhận định Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các công ty của hai bên mong muốn có lợi từ mối quan hệ hợp tác thương mại phát triển. Và thực phẩm, cụ thể là phân khúc sản phẩm nông lương có thể đem đến các khoản lợi nhuận to lớn cho các doanh nghiệp bằng cách khám phá nhiều thị trường mới.

Đối với nhóm sản phẩm nông lương, để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho xuất khẩu vào EU nhằm tận dụng EVFTA, chuyên gia kinh tế quốc tế - TS. John Walsh lưu ý, các nhà sản xuất Việt Nam cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất. Điều cần làm là hãy nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất nhằm đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trên thực tế, mọi sản phẩm nông lương như thực phẩm, đồ uống được xuất khẩu từ EU vào Việt Nam đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn và chất lượng tương tự như những mặt hàng được sản xuất cho thị trường nội địa EU. Vì vậy, nếu sản phẩm nông lương của Việt Nam muốn đứng chân trên thị trường EU cũng cần phải ở “tâm thế” tốt nhất đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn tương tự.

Ở góc độ quản lý ngành nông nghiệp địa phương, khi được hỏi làm cách nào để đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào EU? Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, muốn tăng số lượng sản phẩm trái cây xuất khẩu vào thị trường EU cần hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng “hữu cơ, “sản phẩm sạch”.

Theo ông Quyết, để chuẩn bị tâm thế cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Sóc Trăng vào thị trường EU, trước hết về cây lúa, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì mô hình lúa thơm - tôm sạch, vì thị trường EU đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao về hữu cơ. Về con tôm, sản xuất phải theo đúng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản châu Âu (ASC) thì thị trường EU mới chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm nông sản để vào châu Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO