Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song theo con số dự kiến được Bộ Công thương đưa ra, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4%.
Con số này là một nỗ lực lớn trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực và thế giới có mức tăng trưởng âm.
Số liệu của Bộ Công thương cho biết, 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn giữ được mức tăng dương, nhất là đặt trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực và thế giới có mức tăng trưởng âm.
Cụ thể, 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,4%). Đáng chú ý, trong quý 3/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý 2/2020 (tăng 26,6% so với quý 1/2020).
Nói về những con số tăng trưởng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, đó là những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu đã phục hồi tích cực trong quý III/2020. Sự phục hồi này tập trung ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 9 tháng đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều nhập khẩu, tháng 9/2020 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Công thương, đây là tín hiệu tích cực cho thấy sản xuất trong nước đã có sự hồi phục rõ nét so với thời điểm tháng 3, tháng 4 khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành một cách mạnh mẽ, thế giới hạn chế giao thương vì đại dịch…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cho những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, việc triển khai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) từ tháng 8 vừa qua được coi là đòn bẩy tích cực thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất của cộng đồng DN.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Điều này tạo điều kiện để hàng hóa được xuất khẩu sang châu Âu một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Đơn cử, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).
Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.
Đại diện Bộ Công thương nhận định, những dữ liệu nói trên là cơ sở để khẳng định, xuất khẩu hàng hóa năm 2020 sẽ tăng trưởng dương với mức tăng 3-4%. Trong khi nền kinh tế các nước trong khu vực và thế giới tăng trưởng âm thì đây là một nỗ lực lớn.