Nâng tầm sân khấu Thủ đô

Minh Quân 13/05/2022 09:38

Trong lộ trình xây dựng công nghiệp văn hóa cho Hà Nội, ngành sân khấu là một bộ phận cốt lõi và có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, với tính chất hoạt động đặc thù sân khấu Thủ đô đang đối mặt với vô vàn những thách thức, thậm chí là tụt hậu với sự phát triển chung.

Show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Muôn nẻo gian nan

Sân khấu loại hình nghệ thuật tổng hợp nhiều ngành như ca, múa, nhạc, kịch, cải lương, xiếc... Với chiều dài lịch sử và phát triển sân khấu đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt bằng chung của lĩnh vực sân khấu nói chung và sân khấu Hà Nội nói riêng thì để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa đang là một hành trình đầy gian nan. Bởi thực tế hiện nay còn đó rất nhiều đơn vị nghệ thuật lớn đang loay hoay với “thực đơn” biểu diễn đơn lẻ, sân khấu vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2 - 3 việc một lúc kiếm sống...

NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thừa nhận hiện nay đang rơi vào tình trạng “đói” kịch bản hay. Mỗi năm Nhà hát Tuổi trẻ nhận được hàng chục, hàng trăm kịch bản nhưng khó tìm được kịch bản mà mình mong muốn. “Chúng tôi sẵn sàng trả cao cho những kịch bản hay nhưng hiếm vô cùng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của các nhà hát cũng rất đáng lo ngại. Thời gian qua do ảnh hưởng của Covid-19 các đơn vị như Nhà hát Kịch Hà Nội mà Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội đã phải cắt bớt số diễn viên hợp đồng. Thậm chí nhiều đơn vị nhiều tháng liền không có lương chi trả cho số diễn viên này. Số diễn viên nằm trong biên chế, ăn lương từ ngân sách nhà nước phần lớn đã có tuổi, ít diễn”- ông Trung nói.

Không những vậy, với xu thế phát triển việc “tìm” khán giả đến với sân khấu cũng đang là một bài toán học búa chưa có lời giải. Cho dù đơn vị sân khấu của Hà Nội cũng đã phải thay đổi cách vận hành để tìm kiếm khán giả thông qua nhiều dự án hướng tới khán giả trẻ như sân khấu học đường… nhưng hiệu quả vẫn rất khiêm tốn.

NSND Thúy Mùi- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chưa phát huy sức mạnh mềm xứng tầm với sự phát triển của đất nước do hoạt động nhỏ lẻ, sản phẩm đưa ra chưa hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật thương mại toàn cầu, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Một số đơn vị đưa sản phẩm ra thế giới như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Xiếc nhưng cũng chỉ mang tính giới thiệu, hiệu quả kinh tế đa số còn thấp. Vẫn theo bà Mùi, các loại hình nghệ thuật sân khấu chính thống, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng, thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ, kéo dài nhiều năm qua. Trong khi nhờ vào công nghệ lăng xê, đã có không ít chương trình nội dung sơ sài, thiếu tính giáo dục, thậm chí phản cảm lại có giá trị thương mại rất cao.

“Về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hầu hết chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, chưa theo kịp sự phát triển công nghiệp và công nghệ như vũ bão hiện nay” - NSND Thúy Mùi nói.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Vượt qua thử thách

Có thể nói, với sân khấu Hà Nội hiện nay khó khăn thách thức rất nhiều, đặc biệt là khi đa số các đơn vị còn đang “đau đầu” với vòng luẩn quẩn tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp văn hóa là xu thế tất yếu, là đòi hỏi của thời đại mà các đơn vị sân khấu phải sẵn sàng đón nhận và thực hiện từng bước sao cho hiệu quả nhất. Bởi thực tế ngoài những khó khăn sân khấu Hà Nội thời gian qua cũng đã tạo được nhiều “điểm sáng”.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Nhà hát Múa rối Thăng Long là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Thủ đô. Đây cũng là nhà hát có thành tích là nhà hát múa rối duy nhất tại châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm với hơn 2.000 suất diễn múa rối nước và đã giới thiệu bộ môn nghệ thuật múa rối nước Việt Nam tới hơn 50 quốc gia. Kỷ lục của Nhà hát Múa rối Thăng Long cho thấy nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể trở thành chủ lực trong công nghiệp văn hóa. Hay chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”, Lễ hội âm nhạc “Gió mùa” cũng đã tạo được dấu ấn nhất định.

Tuy nhiên, theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, để sân khấu đồng hành với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật ở các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội. Đó là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, trình độ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cao. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm. Nên khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để có sự điều chỉnh, đầu tư thêm, khai thác nguồn lực một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Chiêm cũng bày tỏ, sân khấu Hà Nội cần có sự nỗ lực của các nhóm yếu tố, như ngân sách công (không đưa trực tiếp vào show diễn, chẳng hạn tài trợ được địa điểm biểu diễn bằng cách xây dựng một nhà hát đủ chuẩn); nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ…) mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững.

“Cần đưa ra phân tích những hạn chế chủ quan trong quản lý của các cơ quan chức năng và hoạt động của các hội nghề nghiệp, đây là yếu tố tác động đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp văn hóa với nhau, nếu đầu tư riêng lẻ sẽ hạn chế sự phát triển” - NSND Trần Quốc Chiêm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm sân khấu Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO