Nâng tỷ lệ hàng Việt về nông thôn: Chỉ doanh nghiệp nỗ lực là chưa đủ

Minh Phương 25/06/2019 08:00

Để hàng Việt chất lượng tốt đến được tay người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, rất cần sự nỗ lực liên kết của các doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng như DN phân phối và cả các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, bởi chỉ mình DN sản xuất nỗ lực là chưa đủ.

Nâng tỷ lệ hàng Việt về nông thôn: Chỉ doanh nghiệp nỗ lực là chưa đủ

Hàng Việt tại các chợ vùng nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, vùng nông thôn chưa cao

10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với những nỗ lực của nhà quản lý cũng như cộng đồng DN trong việc thay đổi tâm lý tiêu dùng của người Việt, đến thời điểm này, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống các siêu thị trên cả nước đã đạt trên 90%. Tuy nhiên, có một thực tế là, hàng hóa tại các kênh chợ truyền thống, vùng nông thôn lại chỉ đạt được tỷ lệ khiêm tốn: 60%, thấp hơn so với tỷ lệ hàng Việt tại các kênh siêu thị rất nhiều.

Lý giải về con số này, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay: Tại hệ thống các siêu thị đều có trung tâm thu mua hàng hóa, do đó việc đưa hàng Việt vào hệ thống trong chuỗi bán lẻ khá dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam ngày càng chú trọng sản xuất các sản phẩm hàng hóa chất lượng, phân khúc giá cao hơn đáp ứng được với nhu cầu, phân khúc người tiêu dùng ở mức thu nhập khá. Trong khi đó, hàng hóa tại các chợ, đặc biệt là hàng tại các vùng nông thôn, chủ yếu là hàng tự cung tự cấp, gia đình sản xuất nên giá thành có phần thấp hơn. Đáng chú ý, hàng hóa tại các chợ không bị ràng buộc bởi các quy định về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nên chính chợ là nơi dễ bị các loại hàng trôi nổi thâm nhập.

Điều này cũng cho thấy, chính cung cách, thói quen tiêu dùng của người dân vùng nông thôn đang là kẽ hở để các loại hàng hóa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc có cơ hội thâm nhập. Song bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa được giới chuyên gia chỉ ra đó là, các DN sản xuất và DN phân phối chưa có sự liên kết mạnh mẽ, hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khá rời rạc, thiếu sự gắn kết nên phần lớn hàng hóa tại các chợ truyền thống, hàng về vùng nông thôn vẫn còn bị trà trộn nhiều hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Tăng cường liên kết

Mục tiêu của nhà quả lý là nâng tỷ lệ hàng Việt ở tất cả các kênh, không chỉ tập trung vào hệ thống các siêu thị, mà hàng Việt phải đạt tỷ lệ cao tại các chợ truyền thống cũng như về tận vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… để người dân trên cả nước đều được sử dụng hàng Việt chất lượng tốt. Để đạt được mục tiêu đó, bà Lê Việt Nga cho rằng, giải pháp cốt lõi là tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam và đưa ra các dòng sản phẩm có giá phù hợp với túi tiền và thị hiếu người tiêu dùng nông thôn. Và tất nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào các DN sản xuất.

Theo bà Nga, các DN cần quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý dành cho khu vực nông thôn. “DN Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng khu vực nông thôn thì mới đánh bật được hàng trôi nổi” – bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều DN cũng nêu vấn đề rằng, hiện chưa có nhiều “sân chơi” giúp kết nối DN sản xuất hàng Việt với nhà phân phối. DN hiện vẫn đang phải tự “bơi”, tự tìm các mối quan hệ để đưa hàng vào hệ thống phân phối. Điều này cho thấy, rõ ràng sự liên kết giữa DN sản xuất và DN phân phối chưa chặt chẽ. Đó cũng là một rào cản khiến cho hàng hóa Việt chưa về được đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các kênh chợ truyền thống.

Nêu nguyên nhân dẫn đến mối liên kết lỏng lẻo này, ông Đỗ Hoàng Thạch – Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay, cho dù các DN có mô hình sản xuất sản phẩm rất tốt, song do hạn chế về quy mô, vốn… nên rất khó khăn trong việc liên kết với các DN phân phối. “Trong khi các hộ sản xuất rất thiếu về công nghệ, vốn và thị trường đang rất mong muốn được kết nối với các nhà phân phối, thì các DN đầu tư phân phối và DN liên kết lại rất thiếu thông tin về các vùng sản xuất để có thể liên kết được với những hộ sản xuất. Đó là vấn đề bất cập hiện nay trong mối liên kết giữa các DN sản xuất và phân phối” – ông Thạch cho hay.

Chính bởi vậy, ông Thạch đề xuất, cần phải tăng cường các mối liên kết, liên kết ngang giữa các DN sản xuất với nhau và liên kết dọc giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, cùng với đố là sự vào cuộc hỗ trợ của nhà quản lý về chính sách, ngân hàng về vốn và nhà khoa học về công nghệ… khi có được mối liên kết giữa các nhà như vậy chúng ta sẽ tạo được một chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Ở một khía cạnh khác, bà Vũ Thị Hậu – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng, các nhà sản xuất cũng cần tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường cho mình, không nên bị động mà phải tập trung vào việc chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới các nhà phân phối, tránh tình trạng nhiều HTX hiện nay luôn “thở vắn than dài” về việc khó đưa hàng hóa vào các các hệ thống phân phối lớn dẫn đến không tiêu thụ được sản phẩm, nguyên do là ở sự bị động của chính các hợp tác xã, các DN sản xuất…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tỷ lệ hàng Việt về nông thôn: Chỉ doanh nghiệp nỗ lực là chưa đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO