Nâng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp

H.Hương-M.Sang 20/06/2022 10:00

Nhiều nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam cho biết, vấn đề mà họ quan tâm nhất đó là vị trí, bao gồm kết nối các khu vực trọng điểm về giao thông. Thứ hai là chi phí xây dựng. Thứ 3 giá thuê trong khu công nghiệp (KCN). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, tiện ích.

TP Hồ Chí Minh tích cực tìm kiếm quỹ đất phát triển khu công nghiệp. Ảnh: Bảo Chương

Phác thảo bức tranh toàn cảnh

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%.

Trong khi đó số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, tỷ lệ lấp đầy các KCN phía Bắc duy trì ở mức 80%; tuy nhiên, giá thuê đất và nhà xưởng không có biến động. Giá thuê đất công nghiệp trung bình đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước, nhưng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy các KCN ở mức 85%. Giá thuê trung bình là 120 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021) nhờ vào làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam sau khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế và nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu.

Việc phát triển các KCN, khu kinh tế được coi là chính sách trọng điểm của Việt Nam, nhất là chủ trương kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế mở. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài liên tục đổi mới. Vậy nhưng có vấn đề nổi cộm là, không ít địa phương phát triển cụm công nghiệp ồ ạt, dàn trải, thiếu sự phối hợp, thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Diện tích đất phát triển cụm công nghiệp sử dụng nhiều vào diện tích đất lúa, trong khi chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội, cũng như khả năng, nhu cầu phát triển thực tế, dẫn đến tình trạng tỷ lệ lấp đầy không như mong muốn. Bên cạnh những KCN có tỷ lệ lấp đầy cao thì một số KCN cần phải cải thiện hơn nữa trong việc nâng tỷ lệ lấp. Chẳng hạn tại Ninh Thuận có KCN Du Long (huyện Thuận Bắc), KCN Phước Nam tỉ lệ lấp đầy rất thấp.

Trong đó, KCN Phước Nam có quy mô diện tích 370 ha thuộc địa bàn huyện Thuận Nam, được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập tại Quyết định số 3849/QĐ-UBND ngày 30/6/2008, do Công ty cổ phần đầu tư Phước Nam Ninh Thuận làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Khối lượng thi công ước đạt khoảng 30% so với quy mô dự án giai đoạn một với diện tích 153,47 ha/370ha. KCN chỉ thu hút được 11 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký hơn 206 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 17%.

Với KCN Du Long, có quy mô diện tích 407,28 ha thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc, dự án do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng KCN Hoa Sen Du Long làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, với tổng mức đầu tư 2000 tỷ đồng. Tính đến nay đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 12%, kinh phí đầu tư thực hiện chỉ đạt 4%, tỷ lệ lấp đầy 0%.

Giới chuyên gia cho rằng các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN.

Gỡ điểm nghẽn, giữ chân nhà đầu tư

Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc phát triển doanh nghiệp, Công ty cổ phần Long Hậu, cho biết, theo kinh nghiệm tiếp đón các doanh nghiệp đến đầu tư tại KCN, thì vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhất đó là vị trí, bao gồm kết nối các khu vực trọng điểm về giao thông. Thứ hai là chi phí xây dựng. Thứ ba giá thuê trong KCN. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, tiện ích. Bởi tiện ích đó có giữ chân được người lao động hay không.

Việc phát triển KCN cũng tương tự như phát triển khu kinh tế, để đạt hiệu quả cao thì công tác nghiên cứu lợi thế địa chính trị, hạ tầng giao thông, nguồn nhân công và nguyên liệu, khả năng kết nối các dòng logistics của khu vực hay chuỗi sản xuất của từng ngành nghề… phải được thực hiện kỹ lưỡng, chuyên nghiệp. Đặc biệt một số chuyên gia còn cho rằng, thói quen bán cái mình có, chứ chưa bán cái thị trường cần cũng khiến nhiều KCN chưa tiếp cận được khách hàng tiềm năng.

Còn theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, việc phát triển các KCN, khu chế xuất (KCX) thời gian qua cũng gặp nhiều hạn chế. Cụ thế, các nhà đầu tư chưa được trợ giúp hướng dẫn làm rõ các quy trình, thủ tục ưu đãi khi tham gia đầu tư kinh doanh, chưa có nhiều cơ chế để hỗ trợ dịch vụ cho các doanh nghiệp trong các khu này. Bên cạnh đó, còn vướng mắc tồn đọng trong một số khâu về thủ tục hành chính, về đất đai, về con người... tạo rào cản khiến nhà đầu tư còn e dè đầu tư kinh doanh trong các KCN, KCX.

Về việc giữ chân nhà đầu tư tại các KCN, KCX và thu hút các nhà đầu tư mới, trong thời gian qua các Ban Quản lý KCN, KCX đã rà soát, báo cáo những vướng mắc lên các cấp có thẩm quyền và đã có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta phải có những cải cách nhiều hơn, đặc biệt là giải pháp hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO