NATO ứng phó Nga kiểu Chiến tranh Lạnh hậu Brexit

Khánh Duy 07/07/2016 09:05

Sau sự kiện Brexit, giới lãnh đạo NATO dường như ngày càng tỏ ra lo ngại về những yếu điểm chết người của châu Âu và tăng cường kiểu phòng thủ thời Chiến tranh Lạnh đối với Nga mà trong đó Mỹ cũng trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch này.

NATO ứng phó Nga kiểu Chiến tranh Lạnh hậu Brexit

Binh sỹ NATO diễn tập bảo vệ hội nghị thượng đỉnh
tại Warsaw. (Nguồn: Reuters).

Liên tục dàn binh

Quyết định của Anh nhằm rời khỏi Liên minh châu Âu, cùng với cuộc khủng hoảng di cư và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải tìm cách phô diễn sự đoàn kết của NATO trong cuộc họp thượng đỉnh tổ chức tại Warsaw ngày 8/7 tới bởi lo ngại rằng Nga sẽ nhằm vào yếu điểm của phương Tây.

“Thượng đỉnh NATO sẽ không bàn về nước Anh” Ian Bond, Trung tâm nghiên cứu Cải cách châu Âu có trụ sở tại London, nhận định - “Giới lãnh đạo NATO không thể bỏ qua các vấn đề an ninh sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU”.

Dù rằng đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề thách thức - gồm sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan hay tên lửa đạn đạo của Iran - cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày của NATO vẫn tập trung vào việc thảo luận các biện pháp đối phó với nước Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine mà phương Tây cáo buộc Nga có liên quan.

Khoảng thời gian qua, chiến lược hiện đại hóa quân sự của NATO đã tập hợp được một lực lượng mới ở các nước Baltic và Ba Lan gồm 4.000 binh sỹ như một lời nhắc nhở rằng họ đã quay trở lại với chiến lược căn bản là bảo vệ lãnh thổ sau nhiều năm thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài biên giới.

“Chúng tôi đang trong một mối quan hệ mới với một nước Nga hung hăng hơn” - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Douglas Lute, đặc phái viên Mỹ tại NATO, nói - “Điều này khiến chúng tôi quay trở lại với nhiệm vụ cốt lõi: Phòng thủ tập thể”.

Trong hội nghị được tổ chức ở Warsaw (Ba Lan), Mỹ, Canada, Đức và Anh sẽ lần lượt chỉ huy 4 tiểu đoàn mới được thành lập ở rìa biên giới phía Đông. Đó là chưa kể tới 8 tiền đồn mới được thành lập, hàng loạt các cuộc tập trận, lực lượng phản ứng nhanh gồm lực lượng trên không, hải quân và lực lượng đặc nhiệm có tổng số 40.000 quân.

Bác bỏ nhận định của một số chuyên gia quân sự rằng họ đang cố tình bao vây Nga, NATO nói rằng việc thành lập các tiểu đoàn mới của họ nhằm đảm bảo rằng các đồng minh của họ ở Đông Âu tránh được trường hợp tương tự như khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Ngược lại, NATO cũng tránh trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Nga khi vẫn tuân thủ một thỏa thuận được ký kết với nước này từ năm 1997, trong đó hạn chế số lượng binh sỹ thường trực triển khai tại biên giới các nước thành viên của khối.

Mỹ xoay trục về châu Âu?

Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn đang đóng góp phần lớn các công cụ chống Nga cho NATO, với các trang thiết bị quân sự dự trữ ở Đức sẵn sàng cho mọi cuộc xung đột, tiểu đoàn 1.000 binh sỹ đồn trú ở Ba Lan và binh đoàn thiết giáp di chuyển quanh vùng Trung Âu. Điều này vô hình chung đã đẩy Washington trở lại với vai trò của họ thời kỳ hậu Thế chiến II: Bảo vệ các đồng minh châu Âu.

Đáng nói là, điều này dường như đã đi ngược lại chiến lược xoay trục của Tổng thống Obama vốn hướng tới các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và khuyến khích châu Âu tự bảo vệ mình.

Trong bối cảnh mà uy tín của toàn châu Âu đang bị đe dọa với việc nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, Washington sẽ phải đối diện với lời chất vấn của các đồng minh của mình liên quan tới vấn đề ngân sách quốc phòng của NATO trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Dù chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu đã tăng dần qua các năm gần đây, nhưng chính phủ Mỹ vẫn chịu nhiều chỉ trích về vấn đề này. Mới đây nhất, ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cho rằng các đồng minh đang chơi trò “gian lận” với Mỹ và các thành viên NATO đang “không chia sẻ gánh nặng một cách công bằng” ám chỉ nguồn vốn rót cho ngân sách quốc phòng của khối NATO.

Lá chắn tên lửa cũng là một vấn đề nhạy cảm khác trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. Mỹ cho rằng hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu là nhằm bảo vệ đồng minh của họ khỏi tên lửa Iran, trong khi Nga cáo buộc Mỹ chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng và rõ ràng lá chắn này nhằm vô hiệu hóa khả năng tên lửa của Nga. Dự kiến, Mỹ sẽ trao quyền kiểm soát và vận hành lá chắn tên lửa này cho NATO trong cuộc họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NATO ứng phó Nga kiểu Chiến tranh Lạnh hậu Brexit

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO