Nấu nhôm gây ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá, 5 hộ bị phạt 875 triệu đồng

MINH QUÂN 20/11/2021 09:00

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 5 hộ dân cô đúc, tái chế nhôm thải ở làng nghề truyền thống Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) với tổng số tiền lên đến 875 triệu đồng.

Chất thải rắn phát sinh từ quá trình cô đúc nhôm được người dân đổ khắp làng nghề. Ảnh: Hà An.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có ban hành quyết định từ số 1418/QĐ-XPHC-1422/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 5 hộ dân cô đúc, tái chế nhôm thải ở làng nghề truyền thống Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, với tổng số tiền lên đến 875 triệu đồng.

Danh sách 5 hộ bị xử phạt gồm: Hộ ông bà Mẫn Thị Hòa (Cường), hộ ông bà Nguyễn Thị Hương (Lai), hộ ông bà Nguyễn Văn Quân (Thanh), hộ ông bà Nguyễn Văn Chiến (Hương) và hộ ông bà Hoàng Văn Hải (Hiển). Nơi ở hiện tại của các hộ đều thuộc thôn Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Nội dung quy định xử phạt ngày 12/11 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: các hộ trên thực hiện hành vi cô đúc nhôm, tái chế nhôm thải nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, như đã quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 11, Nghị định 155/2016/NÐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và điểm đ, khoản 10, Điều 1, Nghị định 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.

Theo đó, mỗi hộ chịu mức xử phạt với số tiền 175 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động 9 tháng. Với các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5 hộ nêu trên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn trên mà các hộ không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Mỗi ngày làng nghề nấu nhôm Mẫn Xá phát sinh khoảng 80 tấn chất thải

Liên quan tới quyết định xử phạt kể, theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết Online, làng nghề cô đúc, nấu nhôm Mẫn Xá vốn được coi là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc. Hiện cả làng có hơn 300 hộ gia đình có lò cô đúc nhôm.

Cũng qua tìm hiểu, các hộ cô đúc nhôm ở làng nghề Mẫn Xá không những không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Mà các hộ này còn thường xuyên đổ chất thải rắn ra môi trường làng nghề.

Chất thải rắn thẩm thấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng mạch nước ngầm làng nghề. Ảnh: Nam Anh.

Ước tính, mỗi ngày các lò cô đúc nhôm ở làng Mẫn Xã có thể tái chế từ 500 kg đến 2.000 kg phế liệu. Theo đó, cứ mỗi 1 tấn phế liệu tái chế người dân thu được từ 700 - 850 kg nhôm, còn lại 150 - 300 kg xỉ nhôm thải loại. Lượng chất thải rắn công nghiệp đổ trái phép kể trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đất, mạch nước ngầm và sức khỏe người dân sinh sống trong làng nghề.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Văn Môn, các hộ làm nghề dựng lò tái chế, cô đúc nhôm chủ yếu tập trung ở thôn Mẫn Xá (xã Văn Môn) và phát triển rất mạnh khoảng 20 năm gần đây. Do nghề nấu nhôm đem lại thu nhập cao, thay đổi gần như toàn bộ đời sống người dân, nên hiện có khoảng 90% lao động địa phương gắn bó với nghề.

Ông Gia cho biết thêm, trước tình trạng người dân tự ý đổ chất thải, UBND xã thường xuyên chỉ đạo lực lượng công an xã, dân phòng thôn Mẫn Xá phối hợp tuần tra, ngăn chặn. Song do lực lượng mỏng, thẩm quyền xử lý của UBND xã còn nhiều hạn chế, nên tình trạng đổ chất thải rắn ra môi trường vẫn tái diễn.

Hiện Văn Môn có không dưới 300 lò nấu nhôm các loại hoạt động ngày đêm. Quá trình nấu nhôm, những lò đốt này tạo ra cả chục tấn xỉ than, xỉ nhôm (chất thải rắn công nghiệp).

Còn theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, hơn 300 lò nấu nhôm ở làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc đổ thải ra môi trường khoảng 80 tấn/ngày.

Trước thực trạng trên, đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn, do Công ty CP Tập đoàn Hanaka làm nhà đầu tư, với diện tích 29,6 hecta.

Hiện Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn đã thu hút được một bộ phận các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong làng nghề. Tuy nhiên, hiện diện tích đất khai thác của cụm công nghiệp vẫn chưa được lấp đầy.

Cũng nhằm giảm thiểu môi trường làng nghề Mẫn Xá, ngày 9/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh đã có văn bản 808/STNMT-CCMT, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh duyệt chi số tiền hơn 233 tỷ đồng để xử lý hơn 300.000 tấn chất thải rắn tồn động.

Phương pháp xử lý đề cập trong công văn: chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch sử dụng số chất thải rắn kể trên để phối liệu sản xuất clinke xi măng. Giá thành vận chuyển, xử lý được tính là 573.460 đồng/tấn. Nhưng tới nay đã hơn 1 năm trôi qua, chưa hề có động thái nào từ phía Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch, trong khi môi trường làng nghề Mẫn Xá vẫn ngày ngày phải hứng chịu lượng chất thải rắn thải ra mỗi ngày.

Trong khi đó, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết online, một lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, đang khẩn trương đẩy nhanh những dự án nhằm làm sạch môi trường làng nghề Mẫn Xá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nấu nhôm gây ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá, 5 hộ bị phạt 875 triệu đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO