Nền kinh tế đầu tàu trong bối cảnh Covid-19

Thế Tuấn 02/03/2021 06:30

Ngày 1/3, Chủ tịch Chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Philadelphia, ông Patrick Harker, cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào một đợt suy thoái sâu và tăng trưởng âm trong quý I/2021. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân vì nhiều chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đầu tầu này đang tăng trưởng mạnh.

Người dân Mỹ đã tới các cửa hàng mua sắm khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát.

Ông Harker cho rằng ở cấp độ quốc gia, nền kinh tế tăng trưởng khiêm tốn trong quý IV/2020, trước khi giảm tốc hoặc thậm chí là thu hẹp trong quý I/2021. Mặc dù nhiều người vẫn đặt kỳ vọng việc tiêm chủng vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, song ông Harker lưu ý tốc độ tiêm chủng ở Mỹ cho đến nay vẫn gây thất vọng, khi chưa đến 5 triệu người (2% tổng dân số) nhận được liều vaccine đầu tiên. Theo ông Harker, gói cứu trợ trị giá khoảng 900 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ vào nửa cuối năm 2021. Có nghĩa là khoảng 6 tháng đầu năm nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thể tăng tốc.

Nhưng, trái với ông Harker, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ đang thể hiện sự phục hồi nhanh hơn dự kiến sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19, với tốc độ vượt xa những ước tính cuối năm 2020.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2021, trong khi GDP năm 2020 của nước này đã giảm 3,5% do đại dịch buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh. Trong đó, gói kích thích 900 tỷ USD được thông qua vào cuối tháng 12/2020 là chìa khóa để giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại. Cùng đó, việc Hạ viện thông qua gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD với sự ủng hộ của chính quyền của Tổng thống Joe Biden sé là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế.

Từ đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ có thể đạt 6%, trong khi các chuyên gia kinh tế khác như Gregory Daco của Oxford Economics cho biết con số tăng trưởng có thể vượt 7%.

Cũng cần lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 6,3% trong tháng 1/2021 thấp hơn đáng kể so với con số cùng kỳ năm trước. Nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton nhận xét, các gói kích thích kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mất việc làm và thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hơn một khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cũng không quên cảnh báo về những “vết sẹo” mà đại dịch Covid-19 để lại cho nền kinh tế Mỹ trong suốt hơn 1 năm qua. Hàng chục vạn cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn; nguy cơ xảy ra một làn sóng phá sản quy mô lớn nếu các công ty hiện đang chồng chất nợ nần không thể vực dậy sau cuộc suy thoái.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2021 bất chấp việc GDP năm 2020 của nước này đã giảm 3,5%. Theo IMF, trong nửa đầu năm 2021, Mỹ sẽ khôi phục khoảng một nửa trong số 20 triệu việc làm bị mất trong đại dịch.

Kinh tế Mỹ trong năm 2020 đã suy giảm 3,5% , mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu của nước này (năm 2020) đã giảm 13% so với năm 2019 trong khi tiêu dùng cá nhân giảm 3,9%. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2020 đã phục hồi, tăng 1% so với quý trước đó.

Cuộc thăm dò của Đại học Chicago và Đại học Notre Dame cho thấy tỷ lệ nghèo đói tại Mỹ đã tăng lên 11,8% trong nửa cuối năm 2020 với 8,1 triệu người. Trong báo cáo khác công bố cuối tháng 2/2021, Bộ Lao động Mỹ cho biết 847.000 người đã đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong một tuần.

Nhưng, giới tài phiệt Mỹ cho rằng kinh té Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Đáng chú ý, tỷ phú Warren Buffett, nổi tiếng là một nhà đầu tư thận trọng với tầm nhìn nhạy bén về các xu hướng dài hạn, đã đưa ra nhận định lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ bất chấp dịch Covid-19. Ông Warren Buffett một lần nữa khẳng định niềm tin vào “giấc mơ Mỹ” trong một bức thư gửi các nhà đầu tư được công bố mới đây. Trong thông điệp gửi các cổ đông của Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, ông Warren Buffett viết: “Trong 232 năm tồn tại, chưa có vườn ươm nào có thể giải phóng tiềm năng con người như nước Mỹ”.

Bức thư gửi tới cổ đông thường niên của tỷ phú Buffett luôn được giới kinh doanh đánh giá cao bởi ông nổi tiếng là một nhà đầu tư thận trọng với tầm nhìn nhạy bén về các xu hướng dài hạn.

Điều đó đã khơi dậy niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, khi mà chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang được triển khai rầm rộ. Điều đó cũng cho thấy, khi mà nền kinh tế đầu tầu thế giới tăng trưởng thì kinh tế thế giới trong năm 2021 cũng sẽ khả quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế đầu tàu trong bối cảnh Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO