Nền kinh tế đối mặt với nhiều bài toán khó khăn

H.Hương 11/05/2023 07:05

Sáng 10/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”.

Theo khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, thị trường quốc tế biến động rất mạnh, thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu cho thấy sự dịch chuyển toàn cầu theo xu hướng gây bất lợi tới nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, là một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu. Cụ thể làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát; Vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất…

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, với tín dụng, ngành ngân hàng phải làm sao vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế. Trong các tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng rất chậm, nhưng nếu nới lỏng tín dụng thì sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp (DN) và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ DN ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng.

“Mong muốn về giảm lãi suất của DN là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá… tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng” - ông Hà nói.

Về phía DN, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá cao các chính sách điều hành tiền tệ điển hình như việc giảm lãi suất, hay việc cơ cấu lại nhóm nợ. Ông Cẩm mong muốn cơ cấu lại nợ giữa các ngành kinh tế, vì nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành dệt may hướng đến tăng trưởng xanh rất lớn từ 500.000 – 600.000 tỷ đồng.

Cộng đồng DN hiện nay đang rất khó khăn, nhiều DN cũng đã phải bán tài sản để cầm cự. Khả năng hấp thụ vốn của DN rất thấp, tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Đặc biệt, hiện gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn đang dồn lên vai hệ thống ngân hàng do thị trường vốn vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao và theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao như những năm trước đây sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, nhất là khi nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, song vẫn phải “gánh” cả nhiệm vụ cung ứng vốn trung dài hạn.

Để nền kinh tế phục hồi, theo TS Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới bất ổn.

Đánh giá cao vai trò của chính sách tiền tệ với nền kinh tế, song ông Lực cũng cho rằng, năm 2023, chính sách tài khóa vẫn là chính sách chủ lực trong hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Ông Lực đề nghị, tiếp tục tung ra một số gói hỗ trợ cho người dân (giãn hoãn thuế, giảm phí), đồng thời đẩy mạnh đầu tư công để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống…

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần sớm có kịch bản riêng để bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo công ăn việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế. Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu DN… Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế đối mặt với nhiều bài toán khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO