Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm nay tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Thông tin này được Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III – 2022, ngày 29/9.
Công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng
Theo dữ liệu công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý III ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng phân tích, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,55%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm. Đặc biệt, khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022.
Đáng chú ý, một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Chẳng hạn, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ, với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm.
Về hoạt động doanh nghiệp, tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xu hướng kinh doanh tốt lên
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy, đa phần đánh giá xu hướng kinh doanh ổn định và tốt lên. Còn về quý IV/2022, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022; 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước khi Tổng cục Thống kê công bố, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau 2 năm tổn thương. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Lạm phát bình quân dự báo 3,8% trong năm 2022.
Tuy vậy, trong trung hạn, WB dự báo nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng như: Sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 cùng với hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn là rủi ro chính; Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn nữa, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại.