Nền kinh tế vượt bão - Bài 2: Lực đẩy từ các FTA

Minh Phương 27/01/2021 09:00

Hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết đàm phán 17 FTA. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới đã và đang trở thành đòn bẩy, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển.

Ngày 16/9, Gia Lai xuất khẩu lô hàng cà phê và chanh dây đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

14 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã thực hiện đàm phán ký kết 17 FTA. Trong đó, tính đến nay, đã có 14 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã chính thức ký kết, sắp có hiệu lực và hiện đang đàm phán 2 FTA. Trong số 14 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đặc biệt, trong năm 2020, nhìn lại bức tranh kinh tế đất nước, ít ai nghĩ rằng, chúng ta có thể vượt được đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục như thế. GDP tăng trưởng dương, xuất khẩu cán đích với kim ngạch 540 tỷ USD... Đây là những con số không thể vui hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Để có được những thành quả này, không thể không kể đến vai trò của các FTA trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tạo đà phục hồi kinh tế.

Đánh giá về những thành quả mà nền kinh tế nước nhà đạt được từ việc tận dụng các cơ hội của các FTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với những tác động tích cực từ các FTA, thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA... Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%.

Bên cạnh CPTPP, một trong những FTA có thể nói là đem lại nhiều cơ hội hơn cả, có những tác động mạnh mẽ nhất đến tăng trưởng xuất khẩu của nước nhà chính là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Được thực thi từ ngày 1/8/2020, chỉ 5 tháng sau, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì xuất khẩu hàng hóa của chúng ta sang thị trường EU đạt được những kết quả khả quan như vậy là hơn cả mong đợi.

Theo Đại sứ EU tại Việt Nam, sau 5 tháng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao của Việt Nam như tôm, thủy hải sản đã đạt mức tăng trưởng khá. EVFTA sẽ mở cửa cho DN Việt Nam tiến vào thị trường EU dễ dàng hơn, mang lại cơ hội phát triển tốt hơn cho Việt Nam. Điều quan trọng là EVFTA không chỉ cải thiện việc giao thương, mà còn đem tới những tác động khác trong mối quan hệ giữa Việt Nam với EU…

Còn theo Bộ Công thương, chỉ trong 3 tháng đầu thực hiện EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu 11,08 tỷ USD sang các nước EU, tăng 5% so cùng kỳ; ngược lại, xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng tăng tới 11%, đạt 4,9 tỷ USD…Trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam không chỉ tập trung tăng trưởng về thương mại, mà còn phải thực hiện quy trình chuẩn để tạo môi trường kinh doanh thân thiện.

Chưa hết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng chúng ta đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác, tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc, để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm, tổ chức thành công Lễ ký kết của Hiệp định vào tháng 11/2020 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ký kết Hiệp định RCEP - Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới sẽ tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.

Tin vui dồn dập đến với Việt Nam những ngày cuối năm 2020 khi chúng ta tiếp tục ký kết thêm một FTA với Vương quốc Anh vào cuối tháng 12 vừa qua. “UKVFTA cùng với các Hiệp định khác sẽ tiếp tục góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới” - Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh đồng thời bày tỏ sự lạc quan vào việc cộng đồng doanh nghiệp (DN)Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu từ việc thực thi các FTA này.

Cơ hội hay thách thức, phụ thuộc chính doanh nghiệp

Dù vậy, bên cạnh những cơ hội, những tác động tích cực, giới chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, cần phải nhận diện cả những thách thức song hành đến từ các FTA.

Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, với các FTA mà Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết, một mặt mở rộng thị trường cho các DN để tăng sản xuất, xuất khẩu, tăng quy mô để có lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta cần lường trước được những tác động tiêu cực, làm sao giảm thiểu các tác động trở lại của cạnh tranh khi mở cửa với nước ngoài.

“Điều quan trọng là các DN sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh rất mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm hàng hóa từ nước ngoài tràn vào, bên cạnh đó là các quy chuẩn, quy định mà thị trường thế giới đưa ra cũng vô cùng khắt khe, làm sao để cộng đồng DN có thể thích nghi, tăng “sức đề kháng” để ứng phó với sự cạnh tranh quyết liệt từ thị trường quốc tế” - ông Lâm nhận định đồng thời nhấn mạnh, với việc xóa bỏ các điều kiện bảo hộ, các doanh nghiệp nước ngoài họ sẽ vào nhiều hơn, chưa kể họ có nhiều tiềm lực mạnh hơn về vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Nếu chúng ta không có cơ chế bảo vệ thì DN Việt có nguy cơ thua ngay trên sân nhà chứ đừng nói đến cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Tất nhiên, bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, bản thân mỗi DN cũng phải có ý thức và tự mình vươn lên. “Một mặt Nhà nước cần thiết kế chính sách, làm sao để có sự hỗ trợ nhất định trong khuôn khổ cho phép các cam kết mà chúng ta đã ký kết, hỗ trợ tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn lên về quy mô, vốn, công nghệ, quản lý tiếp cận thông tin thị trường, mặt khác các DN cần nỗ lực phát triển, thúc đẩy nội lực, nâng sức cạnh tranh, nắm tín hiệu thị trường để đưa ra quyết định kinh doanh, đầu tư phát triển trong bối cảnh hội nhập” - ông Lâm nói.

Bà Bùi Kim Thùy - thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard Khu vực châu Á - Thái Bình dương cũng cho rằng, tương tự như bàn tay, có ngón dài ngón ngắn, các FTA có cái dùng cho hàng Việt chất lượng xa xỉ tới các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, tiêu chí chặt. FTA có cái dùng cho hàng Việt chất lượng chưa phải là tốt nhất nhưng được đánh giá là “phù hợp” với các thị trường đông dân chưa đòi hỏi tiêu chí quá ngặt nghèo. Vấn đề là doanh nghiệp sử dụng phương tiện gì, năng lượng gì để có thể tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mà Chính phủ đã dụng công đàm phán. Điều đó phụ thuộc vào chất lượng của chính các DN Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế vượt bão - Bài 2: Lực đẩy từ các FTA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO