Nền tảng vững chắc bước vào năm mới

Nam Việt 29/01/2022 07:18

Khép lại năm Tân Sửu 2021 đầy sóng gió, năm Nhâm Dần 2022 mở ra với những hy vọng mới.

Đại hội XIII của Đảng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước. Đồ họa: Quang Huy.

Tại phiên họp bất thường mới đây, Quốc hội đã có những quyết định cực kỳ quan trọng để đất nước vượt lên, kể cả khi dịch Covid-19 có thể vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong những quyết định ấy, có gói hỗ trợ 350 nghìn tỉ đồng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dịch Covid-19 bắt đầu từ năm 2020, tuy nhiên đến ngày 27/4/2021, đợt dịch lần thứ 4 mới là đợt khủng khiếp nhất, xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành cả nước với số người nhiễm cũng như số ca tử vong cao.

Trong bối cảnh khó khăn ấy, Đảng, Nhà nước vẫn xác định vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đoàn kết một lòng, lo lắng nhưng không hốt hoảng, các hoạt động lớn của đất nước vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp.

Đại hội XIII của Đảng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn tới 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng.

Tới ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri cả nước đi bỏ phiếu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Cử tri cả nước đã bầu 499 đại biểu Quốc hội. Ngày 20/7, Quốc hội khóa XV họp kỳ thứ nhất bầu và phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy Nhà nước. Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.

Trong tháng đầu tiên của năm 2022 này, Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kỷ niệm 80 năm Ngày ra số báo đầu tiên. 80 năm - một hành trình vẻ vang. Tiếp nối truyền thống vinh quang của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng, Báo Đại Đoàn Kết với những bước tiến vượt bậc, tới nay đã trở thành một cơ quan báo chí lớn trong đại gia đình báo chí cách mạng Việt Nam.

Cũng trong năm 2021, cùng với Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Đảng ta tiếp tục ban hành những quy định về công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định số 37-QĐ/TW, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011, quy định rõ 19 điều đảng viên không được làm. Tiếp đó, ngày 9/12, khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, do Bộ Chính trị tổ chức.

Cùng đó, trong năm 2021 cũng diễn ra nhiều hội nghị quan trọng khác.

Ngày 24/11, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khai mạc. Đây là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lớn nhất kể từ Hội nghị trước đó 75 năm (ngày 24/11/1946), xác định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, văn hóa là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.

Tổng Bí thư nêu rõ, Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thành tựu trong xây dựng văn hóa là lớn lao, tuy nhiên Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa. Từ đó, Tổng Bí thư chỉ rõ, phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng; chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Cũng trong năm qua, ngày 14/12, đã khai mạc Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức. Phát biểu với Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa.

Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Năm 2021 cũng là năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai nhiều hoạt động quan trọng. Ngày 16/9, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức chương trình tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rất nhiều đóng góp, hỗ trợ đã được gửi đến Mặt trận Tổ quốc các cấp trong cả nước. Những đóng góp được trân trọng ghi nhận và nhanh chóng chuyển tới những địa chỉ cần thiết, góp phần quan trọng tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19 của đất nước.

Ngày 19/11/2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Cũng trong năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn diễn ra trên phạm vi cả nước. Các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước đã về địa phương chung vui với bà con, đem đến không khí ấm áp trong tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Những sự kiện lớn diễn ra trong năm 2021 đầy khó khăn là nền tảng vững chắc để đất nước bước vào năm 2022. Năm 2021, tăng trưởng GDP là 2,58% (thấp hơn năm 2020: 2,91%), nhưng cũng cho thấy sức chống chịu dẻo dai của nền kinh tế nước nhà. Kể từ tháng 10/2021, bước vào giai đoạn bình thường mới, các nhà máy, xí nghiệp đã nhanh chóng tăng tốc để bù lại những gì đã mất. Không khí phấn chấn lan tỏa khắp nơi. Những đường bay thương mại quốc tế đã nối lại, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam. Vì thế, dự kiến tăng trưởng từ 6% đến 6,5% trong năm 2022 là khả thi.

Với tất cả những gì đã qua, chúng ta bước vào năm Nhâm Dần 2022 với niềm tự hào và niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai tươi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền tảng vững chắc bước vào năm mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO