'Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền': Mô hình hay, ý nghĩa lớn

Đông Bắc 07/10/2022 08:27

VracBank là mô hình gửi rác, rút tiền tiên phong tại Quảng Ninh. Mỗi người là khách hàng của VracBank không chỉ nhận lại một số tiền tiết kiệm sau khi đổi rác mà còn dần hình thành ý thức phân loại, thu gom rác góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch – đẹp.

Phân loại rác tại nguồn

Kể từ ngày phát động mô hình (1/4/2022) đến hết tháng 9/2022, “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền” (VracBank) đặt tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã thu về hơn 8.200 kg giấy và 5.300 kg vải, trên 2.600 kg nhựa các loại, hơn 91.300 vỏ lon,…

Các khách hàng cũng đã rút ra tổng số tiền hơn 96 triệu đồng từ “ngân hàng rác” trong vòng 6 tháng qua... Việc thu gom, phân loại rác mang đi gửi và rút tiền đã trở thành thói quen của nhiều CBCNV Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh và người dân trên địa bàn phường Phương Nam (TP Uông Bí).

Người dân chủ động phân loại, thu gom rác để gửi tới "ngân hàng rác".

Được biết, đây là mô hình được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh ấp ủ từ lâu, thế nhưng đến tháng 4 năm nay mới có thể khởi động. Để tham gia VracBank, "khách hàng" được lập mỗi người một tài khoản riêng để quản lý toàn bộ dữ liệu hoạt động gửi rác. Rác thải được khách hàng thu gom, phân loại như: Giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân, đếm và quy đổi ra thành tiền và điểm tích lũy trong tài khoản.

Sau khi định lượng và tính thành tiền số lượng rác mang đến gửi, các khách hàng sẽ nhận được phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy và nhận tiền mặt (hoặc chuyển khoản) ngay lập tức.

“Ngân hàng rác” cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút khác hàng như hỗ trợ xe vận chuyển tận nhà với số lượng rác lớn, thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường, hỗ trợ lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài… Đặc biệt, khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy mà chủ tài khoản chưa rút tiền sẽ được Công ty cộng trả lãi suất 1%/năm.

Gửi rác không chỉ rút được tiền lại còn tích được điểm trong tài khoản "ngân hàng rác".

Như vậy với các thao tác đơn giản, người dân có thể dễ dàng thu được được khoản tiền từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng từ những đồ phế thải trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Cũng chính vì thế "khách hàng" đến “ngân hàng rác” ngày càng đông. Đến nay, đã có khoảng 600 tài khoản tham gia VracBank, với hơn 113.000 điểm tích lũy.

Trong 6 tháng hoạt đông, "ngân hàng rác" đã có khoảng 600 tài khoản tham gia với hơn 113.000 điểm tích lũy.

Theo bà Vũ Thị Thuần (tổ 2, khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí), từ khi phường và công ty phát động mô hình này, người dân đều gom các loại rác thải tái chế được cho Hội phụ nữ của tổ dân phố để bán cho công ty gây quỹ hoạt động phong trào. Việc tham gia vào mô hình này vừa giúp người dân dọn rác một cách hiệu quả, bảo vệ môi trường lại vừa có tiền.

Nhân rộng mô hình VracBank

Chia sẻ về mô hình, ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Ý tưởng “ngân hàng rác” xuất phát từ thực tiễn, các nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng giá thành tăng cao. Công ty đã nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải làm nguyên liệu thay thế trong lò nung clinker, tận dụng được nguồn năng lượng do đốt chất thải để lấy năng lượng nung clinker vừa làm giảm tiêu hao than giúp giảm phát thải khí CO2 và vừa thay thế các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu hiện nay như đốt thông thường, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn quỹ đất chôn lấp, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và góp phần cho sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom và phân loại từ các nguồn khác nhau về kho chứa và đưa lên băng tải tự động chuyển đến lò nung clinker.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Dáng, Phó Chủ tịch phường Phương Nam (TP Uông Bí) thông tin, VracBank là chương trình hay, có ý nghĩa quan trọng với công nhân lao động, người dân về bảo vệ môi trường. Công ty cũng phối hợp với địa phương để phát động đông đảo nhân dân cùng tham gia thu gom rác thải tái chế. Qua đó gắn trách nhiệm của người lao động và ban lãnh đạo công ty cũng như người dân để chủ động bảo vệ môi trường, biến rác tái chế được sử dụng cho mục đích khác.

Anh Nguyễn Đức Minh (phân xưởng sản xuất vỏ bao, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) kể: Từ khi có VracBank, cả gia đình tôi, đặc biệt là các cháu luôn để ý đến việc phân loại và thu gom rác thải ra trong quá trình sinh hoạt và cả khi ở mọi nơi. Đây cũng là bài học giáo dục con trẻ hình thành thói quen tốt để bảo vệ môi trường.

Cuộc thi “VracBank - Gửi rác, rút tiền năm 2022”.

Mới đây, Thành đoàn, Phòng Tài Nguyên và Môi trường; Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Uông Bí đã phối hợp cùng Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh phát động, tổ chức cuộc thi “VracBank - Gửi rác, rút tiền năm 2022” từ 1/10 đến hết năm 2022, nhằm hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về phát thải carbon = 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ cam kết trong hội nghị COP26, hướng tới xây dựng TP Uông Bí thành điển hình đi đầu trong việc phân loại rác, biến rác thành tài nguyên. Qua đó, vừa làm sạch môi trường, tạo công ăn việc làm, vừa có thêm thu nhập, góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân trên địa bàn thành phố.

Trong tương lai không xa, người dân có thể tiếp cận VracBank dễ dàng, tiện lợi hơn nữa qua App trên điện thoại.

Công ty cũng đang “ấp ủ” dự định xây dựng app trên điện thoại để người dân có thể tiếp cận VracBank dễ dàng, tiện lợi hơn nữa. Tới đây, Công ty sẽ mở rộng mạng lưới thu mua, phân loại rác thải nhựa có thể tái chế trên địa bàn tỉnh. Lượng rác thải thu gom là nguồn nguyên liệu đầu vào để Công ty hiện thực hóa ý tưởng đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất bao bì đựng xi măng, sản xuất giấy Kraft dùng trong bao bì xi măng…, ông Vũ Trọng Hiệt chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền': Mô hình hay, ý nghĩa lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO