Ngành địa ốc: Lạc quan trước bão dịch

Thanh Xuân 01/01/2022 07:00

Không thể khẳng định được đâu là thời điểm sẽ chấm dứt dịch bệnh Covid-19, song, trải qua 2 năm vật lộn với đại dịch, các nhà đầu tư bất động sản đã trang bị cho mình được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Và đó cũng là lý do tại sao, thị trường bất động sản vẫn luôn trụ vững trước làn sóng dịch lần thứ 4.

Vượt thách thức

Giới chuyên gia nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 nhưng triển vọng về thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, về lực cung, dù tình hình Covid-19 diễn biến khá phức tạp nhưng trong 9 tháng đầu năm, chúng ta vẫn có 165.742 sản phẩm bất động sản nhà ở được chào bán trên thị trường. Trong đó, số lượng chung cư đạt 106.804 sản phẩm, chiếm 64% tổng sản phẩm; Số lượng thấp tầng (bao gồm cả đất nền) đạt 58.938 sản phẩm, chiếm 36% tổng sản phẩm. Bên cạnh đó, trong loại hình chung cư, số lượng căn hộ cao cấp và trung cấp chiếm hơn 50%, còn phân khúc bình dân chỉ chiếm 11% tổng số căn hộ. Về lực cầu, thị trường ghi nhận trên 60.000 giao dịch bất động sản trong năm vừa qua, trong đó, số lượng sản phẩm thấp tầng chiếm hơn một nửa lượng giao dịch. Cụ thể, số lượng chung cư đạt 30.190 sản phẩm; số lượng thấp tầng (bao gồm cả đất nền) đạt 31.576 sản phẩm.

Cũng gặp không ít khó khăn bởi tác động tiêu cực của dịch bệnh, song những con số nói trên cho thấy, thị trường bất động sản đã có nỗ lực vượt thách thức, để có thể duy trì sự ổn định trong bão dịch.

Đáng chú ý, cho dù hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng bị “bão Covid” giáng một đòn cực mạnh, nhất là trong giai đoạn tháng 6, tháng 7 đến nay, song, thực tế cho thấy, các sản phẩm bất động sản du lịch vẫn duy trì trạng thái sôi động, thu hút hoạt động đầu tư, bởi các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của kinh tế du lịch ở Việt Nam.

Các giao dịch bất động sản du lịch vẫn diễn ra khá nhộn nhịp tại nhiều địa phương bất chấp dịch Covid-19 hoành hành. Trong đó phải kể đến những địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc.

Theo các chuyên gia, những dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng được các nhà đầu tư quan tâm, chủ yếu phải là những dự án có quy mô lớn, cung cấp đa chức năng (đô thị du lịch), hoặc các dự án có pháp lý và cung cấp pháp lý đầy đủ cho nhà đầu tư, hay là các dự án được tạo lập bởi chủ đầu tư có uy tín, thương hiệu.

Kể từ ngày 1/1/2022, Chính phủ cho phép “mở cửa” bầu trời, đây sẽ là thời cơ để ngành du lịch hồi phục. Theo đó, bất động sản du lịch sẽ có động lực mạnh để vực dậy và bứt phá.

Trong mọi hoàn cảnh, nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất lớn.

2022 mở ra thời cơ lớn

Cơ hội không chỉ đến với bất động sản du lịch. Với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, các chuyên gia ngành địa ốc đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ rất nhộn nhịp trong năm 2022 và những năm sau đó, khi mà dịch bệnh đã dần dần được khống chế.

Thực tế cho thấy, kể cả khi dịch bệnh hoành hành, thì nhu cầu nhà ở của người dân vẫn không hề lắng xuống. Ngược lại, vấn đề về nhà ở vẫn luôn hiện hữu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi tư duy “an cư lạc nghiệp” của người dân Việt Nam.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở Công ty CBRE Việt Nam - cho rằng, dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao với tốc độ gia tăng dân số của hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM. Chính bởi vậy, chưa khi nào, phân khúc nhà ở, nhà chung cư có thể được coi là đủ đối với nhu cầu của người dân.

Theo ông Kiệt, người có thu nhập trung bình trở lên vẫn có nhu cầu mua nhà để an cư và người có thu nhập cao, có tiền dư và cao thì mua bất động sản để đầu tư. Khi đại dịch xảy ra, những nhu cầu này bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định nhưng khi sau dịch, yếu tố về pháp lý và những khó khăn khác được tháo gỡ, nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường.

Nhận định chung của giới chuyên gia, trong Covid-19, thị trường bất động sản vẫn luôn có những “lối thoát”, nhà đầu tư vẫn kiên định tin tưởng vào thị trường này. 2021 mặc dù có nhiều khó khăn, song với sự hỗ trợ chính sách kịp thời của Chính phủ, nhiều lĩnh vực kinh tế trong đó có bất động sản vẫn vững vàng trước sóng gió.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, với những gì đã phải trải qua trong suốt hai năm qua, các nhà đầu tư bất động sản đã tích tụ được cho mình những bài học kinh nghiệm quý giá. Họ có thể cân nhắc, nhìn lại khi những trường hợp bất khả kháng xảy ra thì sức để kháng của mình ở đâu và cần làm như thế nào để có thể trụ vững, tránh bị kiệt sức.

Khá lạc quan về thị trường bất động sản trong năm 2022, các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam về trung và dài hạn vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, với nhu cầu rất lớn, nhất là tại khu vực đô thị.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Hiện Việt Nam mới có tỷ lệ đô thị hoá xấp xỉ 40%, trong khi các nước phát triển là trên 70%; xu hướng hộ gia đình 2 thế hệ trong 1 căn nhà đang rất phổ biến. Cùng với chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030 phấn đấu xây dựng 1,032 tỷ m2 nhà ở, mỗi năm khoảng 100 triệu m2”.

Những dữ liệu nói trên, cùng với các nỗ lực kiềm chế dịch bệnh của Việt Nam, theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, nguồn cung bất động sản nhà ở có thể sẽ được cải thiện đáng kể trong năm tới. Tại TP HCM, các dự án mới ở phân khúc trung cấp sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông và các quận ngoại thành. Giá nhà ở dự kiến sẽ duy trì đà tăng trung bình từ 3-7% trong năm 2022 ở các phân khúc. Trong khi đó, tại Hà Nội, nguồn cung mới dồi dào sẽ đến từ các dự án khu đô thị lớn từ khu vực ngoại thành nhờ quỹ đất lớn. Điểm mạnh của thị trường nhà ở Hà Nội là hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tăng sự kết giữa vùng trung tâm và các khu vực lân cận. “Năm tới, giá bất động sản tại Hà Nội thực tế không biến động mạnh như TP HCM song giá vẫn tăng đều qua hàng năm ở mức 1-3%” – vị này cho biết.

Các phân khúc bất động sản sẽ có nhiều cơ hội để bứt lên trong năm 2022. Riêng đối với phân khúc bất động sản du lịch, giới chuyên gia địa ốc cho rằng, với chủ trương đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu khách trong nước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 80 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 13-14%/năm, nhu cầu về bất động sản du lịch sẽ có rất nhiều dư địa để phát triển.

Theo số liệu đến ngày 1/12 của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), toàn thị trường có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng gần nhất và một đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 20.366 tỷ đồng. Nhóm DN bất động sản vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%. Trong đó, có khoảng 30% trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, tương đương khoảng hơn 56.100 tỷ đồng. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5 - 13%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành địa ốc: Lạc quan trước bão dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO