Ngành gỗ cầm cự trong khó khăn

Hải Nhi 16/04/2020 08:00

Sự tê liệt của hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu đang khiến tình hình sản xuất của ngành công nghiệp gỗ trong nước đang bị ngừng trệ nghiêm trọng. Hiện nhiều doanh nghiệp đã cho từ 45-80% lực lượng lao động tạm dừng làm việc hoặc giãn thời gian làm việc.

Ngành gỗ cầm cự trong khó khăn

Ngành gỗ cần chú trọng thị trường trong nước. Ảnh: Quang Vinh.

Nguy cơ đứt gãy toàn chuỗi

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn lo ngại, dịch Covid-19 đã và đang có những tác động tiêu cực trên phạm vi rộng đối với ngành gỗ, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Điều này đã và đang khiến ngành gỗ đứng trước nguy cơ bị đứt gãy trên toàn chuỗi.

Theo khảo sát bước đầu, đến nay, ở khoảng 130 doanh nghiệp trong ngành gỗ, bình quân mỗi doanh nghiệp trong qúy I/2020 đã bị thiệt hại về kinh tế khoảng 25 tỉ đồng, tổng thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp được điều tra ước lên đến khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã phải cho từ 45-80% lực lượng lao động tạm dừng làm việc hoặc giãn thời gian làm việc.

Về xuất khẩu, tính đến tháng 4/2020, khoảng 80% các đơn hàng xuất khẩu đã bị tạm dừng xuất khẩu và chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó lớn nhất là Hoa Kỳ trong qúy I/2020 chiếm đến 51%; EU chiếm khoảng gần 9% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đến nay đã gần như đóng băng. Các thị trường khác như Nhật Bản (chiếm khoảng 12%), Hàn Quốc (khoảng 7-8%) thời gian qua cũng chỉ còn lác đác một số lô hàng đồ gỗ xuất khẩu được. Với thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu), trong đó khoảng 90% là sản phẩm dăm gỗ những tháng đầu năm 2020 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Hà Công Tuấn nhận định: Hiện tại, các DN vẫn đang phải cầm cự hoạt động sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu, phụ liệu dự trữ từ thời gian trước để lại. Bên cạnh đó thời gian gần đây, với việc tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có chiều hướng được khống chế, một số đơn hàng phụ liệu, phụ kiện cũng đã được nhập khẩu về. Tuy nhiên, cũng rất lo ngại tình hình sẽ khó khăn hơn khi diễn biến dịch bệnh Covid - 19 ở Trung Quốc có thể có những phức tạp trở lại.

Tìm giải pháp gỡ khó

Để ngành gỗ phát triển bền vững, theo ông Hà Công Tuấn phải tập trung 4 giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, dứt khoát cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay xuất khẩu gỗ chủ yếu sang Mỹ, EU là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm chiếm 60%, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%, đây là dư địa lớn. Hơn nữa, phải thay đổi cơ cấu sản xuất, chuỗi từ trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vững, thực hiện các cam kết với EU.

Cùng với đó tăng cường liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung, đẩy mạnh việc sản xuất phụ liệu trong nước. Đồng thời đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi từ ứng dụng giống, chế biến, bán hàng online. Đây là điều bắt buộc phải làm. Đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với đá, kim loại để phù hợp với thị trường, nắm bắt nhu cầu thị trường. Thiết lập và thực thi hệ thống pháp luật chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chống được cả chuyển giá…

Ông Hà Công Tuấn gợi mở, ngành gỗ cần chú trọng thị trường trong nước, thị trường 97 triệu dân phải có hệ thống siêu thị, phân phối sản phẩm vì người dân đã có điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao. Thậm chí, ngành công nghiệp gỗ phải chú trọng xuất tại chỗ cho các DN đầu tư nước ngoài làm công trình khách sạn, công sở chất lượng cao,… tại Việt Nam, nhằm thu được ngoại tệ ngay tại đất nước mình.

Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cũng cho rằng, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp gỗ trong nước cần phải liên kết lại với nhau thành chuỗi trong sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp liên kết với nhau phải đảm bảo các điều kiện về sản phẩm, nguyên liệu, môi trường, chất lượng, nguồn gốc… để có thể xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ. Bên cạnh đó, chính bản thân các doanh nghiệp phải tự thay đổi làm hoàn thiện mình từ việc sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường như thay thế keo đảm bảo môi trường, sức khỏe, công nghệ sản xuất…

Với vai trò Hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập cho biết: Hiệp hội Gỗ Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất thay đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm… để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn trên thế giới. Đồng thời, mở rộng nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Thái Lan, Malaysia… thay thế nguồn từ Trung Quốc.

Khả năng vẫn đạt được mục tiêu 12 tỷ USD

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đánh giá khả quan: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ vẫn có dư địa phát triển tốt, tiềm năng nâng cao chuỗi giá trị. Khi dịch Covid-19 qua đi, nhất là tại các thị trường chủ chốt thì khả năng ngành gỗ vẫn đạt được mục tiêu 12 tỷ USD trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ cầm cự trong khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO