Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng 30-52%, cùng với thời gian vận chuyển kéo dài, dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu.
Nan giải bài toán nguyên liệu
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp (DN) bị chậm hoạt động sản xuất. Theo ông Lập, tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu, nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN. Bởi vậy, ngành gỗ cần chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay.
Con số thống kê của nhóm nghiên cứu Hiệp hội Gỗ và Forest Trends, tính đến hết tháng 3/2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam.
Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (khoảng 50.000ha cho tới nay) thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ đạt dưới 7% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất. Bên cạnh đó, tỷ trọng gỗ rừng trồng phục vụ cho chế biến đồ gỗ thấp. Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10-15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.
Xung quanh câu chuyện thiếu nguồn nguyên liệu gỗ, tại hội nghị trực tuyến “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu” mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện nay dù công tác trồng rừng nguyên liệu đã đạt được những kết quả tích cực nhưng để cung cấp đủ gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025 thì công tác trồng rừng nguyên liệu vẫn đang là bài toán nan giản.
“Không chỉ khối lượng gỗ thu hoạch từ rừng trồng chưa đáp ứng đủ lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến, lượng gỗ nhỏ, gỗ non chiếm tỷ lệ lớn, không thể sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao. Lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Nhân rộng diện tích rừng trồng
Theo Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến gỗ được khai thác từ 3,69 triệu ha rừng trồng sản xuất. Trong giai đoạn 2017-2021, lượng gỗ khai thác trong nước chiếm 77,4% tổng nguồn cung đầu vào cho ngành sản xuất đồ gỗ (gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung chiếm 52,7%, gỗ khai thác từ cây trồng phân tán chiếm 14%; gỗ khai thác từ rừng cao su thanh lý chiếm 10,7 %). Tuy nhiên, tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ còn thấp, chỉ chiếm 30-40% trong tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại 60-70% chủ yếu là dăm và viên nén.
Thiếu nguồn nguyên liệu nên chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ 84 thị trường. Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho hay, bức tranh nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nhiều biến động lớn trong quý đầu năm nay. Giá gỗ nhập khẩu từ các nguồn hợp pháp (châu Âu, Mỹ) tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng trong thời gian tới. Chính vì vậy, về lâu dài cần có những giải pháp cũng như chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để chủ động nguồn nguyên liệu.
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ Nghệ An cho rằng, nhà nước cần đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra được các loại giống cây gỗ lớn chất lượng cao để cung cấp cho các DN trồng và nhân rộng diện tích. Bên cạnh đó đưa ra quy trình trồng gỗ lớn hiệu quả cao, có thể trồng dược liệu dưới tán cây gỗ lớn.
Để có thể khuyến khích DN tham gia vào trồng rừng, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland Tuyên Quang cũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, có cơ chế cho vay vốn cho các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn; quản lý chặt chẽ hành trình, nguồn gốc giống cây lâm nghiệp trước khi đưa vào ươm giống xuất bán ngoài thị trường; chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới người trồng rừng về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn...
Gỗ nguyên liệu chiếm 40-60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm đồ gỗ. Trong giai đoạn 2012 - 2021 mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình hơn 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu (quy tròn) từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021 Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu m3 gỗ quy tròn.