Ngoài thép, gỗ cũng là một trong những ngành phải đối diện với nhiều vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Số liệu của Bộ Công thương cho biết, từ năm 2018 đến nay, số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp (DN) gỗ tăng vọt.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (đồ gỗ) được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các DN ngành gỗ, đại dịch Covid-19 đã làm sụp đổ kỳ vọng về con số xuất khẩu nói trên khi bùng phát và hoành hành tại hầu hết các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
Dư âm của đại dịch từ tháng 4 đến nay quả thật rất khủng khiếp, bởi tình trạng thiếu đơn hàng tất yếu dẫn đến người lao động không có việc làm, nhiều DN gỗ đã buộc phải cắt giảm lao động, tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) với 124 DN ngành gỗ cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN trong ngành. Theo đó, 7% DN đã ngừng hoạt động vì đại dịch, trong khi đó, 51% DN phải thu hẹp qui mô sản xuất, 35% DN mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng khả năng cao sẽ sớm tạm ngừng và chỉ có 7% DN cho biết vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Có thể thấy, bức tranh của ngành gỗ không hề xuất hiện điểm sáng khi bị những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Không chỉ đối diện những khó khăn do đại dịch này gây ra, các DN gỗ xuất khẩu còn phải chịu thêm một tác động kép nữa đó là tình trạng thị trường nhập khẩu liên tục đưa ra biện pháp điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam thời gian gần đây.
Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 6/2020, đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã và đang xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của cả năm 2019).
Dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại, song mức độ điều tra đối với các sản phẩm gỗ lại có xu hướng tăng. Nếu tính trong cả giai đoạn từ năm 2007 – 2017 chỉ có khoảng 3 vụ việc liên quan đến sản phẩm gỗ xuất khẩu thì từ 2018 đến nay đã có tới 4 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với lĩnh vực này.
Đáng chú ý, ngày 17/6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là sản phẩm gỗ ván dán cứng, gỗ ván dán dùng trong trang trí và một số loại gỗ ván phủ veneer.
Những dữ liệu nói trên cho thấy, không chỉ đang phải vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây nên, các DN ngành gỗ còn phải đối diện với những vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Thực tế này đang đẩy ngành gỗ vào tình cảnh “khó chồng khó”.
Trước thực trạng ngành gỗ gặp khó vì gia tăng khả năng bị “soi” kiện phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ cần tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
Bên cạnh đó, DN gỗ cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.
Đồng thời, theo giới chuyên gia trong ngành, DN cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đây chính là giải pháp lâu dài để phát triển bền vững, đồng thời cũng là “vũ khí” quan trọng để có thể ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay.