Ngành gỗ loay hoay tìm đường xuất khẩu

K.Lê-M.Sang 30/08/2022 07:34

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Do những diễn biến phức tạp, riêng tại Hoa Kỳ trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng năm 2022 đạt 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều thách thức

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết 2 tháng gần đây xuất khẩu gỗ của Việt Nam giảm sút từ 5,5-11% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong 45 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đi thị trường Mỹ được khảo sát cho thấy, có 33 DN cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ là 11%.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ. Do đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm sẽ làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm. Ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong EU cũng đang đối mặt với lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, điều đó sẽ tác động lớn đến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam sang thị trường này.

Ngành gỗ đang đứng trước nhiều thách thức

Số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), cho biết trong nửa cuối năm 2022, dự báo nhu cầu đối với nội thất văn phòng không cao. Nguyên nhân do thương mại toàn cầu đang bị đứt gãy, cộng thêm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, tình hình lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Trong bối cảnh người dân ở nhiều thị trường nhập khẩu gỗ từ Việt Nam phải "thắt lưng buộc bụng", đồ nội thất không phải là ưu tiên lựa chọn. Tất cả các yếu tố trên sẽ dẫn tới việc kinh doanh gặp nhiều bất ổn và các doanh nghiệp sẽ tạm thời thu hẹp hoạt động, theo đó nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất văn phòng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 do giá nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi chi phí và vận chuyển tăng mạnh; cùng với đó các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc.

Sớm có giải pháp hỗ trợ

Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp” do các Hiệp hội Gỗ và Tổ chức Forest Trends thực hiện cho thấy, gần 60% số DN tham gia khảo sát cho biết phải chịu sức ép về vốn vay ngân hàng. Khoảng 70% số DN được phỏng vấn nêu ra các áp lực về chi phí cho người lao động và nguyên liệu đầu vào.

Để duy trì sản xuất và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các DN đã phải vận dụng nhiều giải pháp khác nhau để khắc phục tình trạng khó khăn. Đa số các DN (hơn 70%) lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí.

Theo ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, để thích ứng, một số DN đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Cùng với đó lựa chọn giảm giá sản phẩm để kích cầu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các biện pháp này được nhìn nhận chỉ có khả năng khắc phục tình hình trong ngắn hạn. Trong số 52 DN được hỏi, hơn 60% cho biết chỉ có khả năng cầm cự được tối đa 6 tháng. Ngược lại, chỉ có gần 1/4 số DN tham gia khảo sát có khả năng tiếp tục duy trì sản xuất trên 12 tháng.

Không chỉ gặp khó với thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng bị giảm doanh thu đáng kể. Qua khảo sát nhanh cho thấy, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30%, cả thị trường nội địa cũng giảm, doanh thu của nhiều DN giảm 1 nửa, thậm chí một vài DN đóng cửa. Dự báo, tình hình còn khó khăn hơn trong những tháng tiếp theo.

Chính vì vậy, các DN ngành chế biến gỗ đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng Ngân hàng Nhà nước với các chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói cứu trợ DN. Các DN cũng hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn, họ sẽ đặt hàng trở lại.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ nay đến cuối năm ngành gỗ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do đó để xuất khẩu bền vững, cần thực hiện giải pháp về kỹ thuật, chiến lược lâu dài. Cụ thể, các bộ, ngành và cả hiệp hội, DN phải cùng tập trung cho việc giải trình, điều trần với cơ quan điều tra của Mỹ để chứng minh nguồn gỗ xuất khẩu của Việt Nam là hợp pháp. Hạn chế sản xuất sản phẩm có giá trị thấp, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ để tránh bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, giá trị xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 8 tháng trên 6,3 tỷ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước gần 4,4 tỷ USD, tăng 32% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022. Trong số đó, nhóm nông sản chính trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,4 tỷ USD, thủy sản 893,8 triệu USD và chăn nuôi 41,6 triệu USD.

Tính chung 8 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%. 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Về thị trường xuất khẩu, qua 8 tháng, các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm 43,1% thị phần; châu Mỹ 28,9%; châu Âu 11,8%; châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,6%. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD, chiếm 26,4% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản trên 2,7 tỷ USD, chiếm 7,4%) thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với trên 1,7 tỷ USD, chiếm 4,7%.

M.Sang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ loay hoay tìm đường xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO